THÔNG TIN

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

CHỨNG CHỈ ISO/IEC 17025

QUẢNG CÁO

tramatco
 

PHIEU YCKN

THÔNG TIN NGÀNH

Nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp ở người cao tuổi

Bối cảnh

Tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm da cơ địa ngày càng gia tăng, đặc biệt trên bệnh nhân cao tuổi. Cho đến hiện nay, có rất ít thông tin về cơ chế bệnh sinh và phương pháp điều trị tối ưu trên nhóm bệnh nhân này. Những dữ liệu ban đầu cho thấy rằng các thuốc điều trị tăng huyết áp có thể góp phần gây viêm da cơ địa; tuy nhiên có rất ít dữ liệu về thuốc điều trị tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa trên bệnh nhân cao tuổi.

Mục tiêu   

Xác định mối liên quan của sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp với bệnh viêm da cơ địa ở người cao tuổi.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu theo dõi dọc trên bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên không có chẩn đoán mắc bệnh viêm da cơ địa ở thời điểm đưa vào nghiên cứu. Nghiên cứu được tiến hành tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc mạng lưới Health Improvement Network tại Vương quốc Anh từ 01/01/1994 đến ngày 01/01/2015. Phân tích dữ liệu được thực hiện từ ngày 06/01/2020 đến ngày 06/02/2024.

Phương pháp xác định chỉ tiêu đánh giá chính

Viêm da cơ địa được ghi nhận dựa vào ngày đầu tiên xuất hiện một trong năm loại viêm da cơ địa phổ biến nhất.

Kết quả   

Trong tổng số mẫu nghiên cứu gồm 1.561.358 bệnh nhân cao tuổi (độ tuổi trung bình là 67 tuổi; tỷ lệ nữ giới chiếm 54%), tỷ lệ mắc bệnh viêm da cơ địa là 6,7% trong cả giai đoạn nghiên cứu. Tỷ lệ mắc viêm da cơ địa ở những bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cao hơn so với những bệnh nhân không sử dụng, lần lượt là 12 so với 9 trong tổng số 1.000 người-năm. Mô hình Cox hiệu chỉnh cho thấy các bệnh nhân sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị tăng huyết áp nào đều có nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa tăng 29% (tỷ suất nguy cơ [HR]: 1,29; 95% CI: 1,26-1,31). Khi đánh giá từng nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp riêng lẻ, tỷ suất nguy cơ cao nhất với nhóm lợi tiểu (HR: 1,21; 95% CI: 1,19-1,24) và nhóm chẹn kênh canxi (HR: 1,16; 95% CI: 1,14-1,18), và nguy cơ thấp nhất là đối với nhóm ức chế enzym chuyển angiotensin (HR: 1,02; 95% CI: 1,00-1,04) và nhóm chẹn beta (HR: 1,04; 95% CI: 1,02-1,06).

Kết luận

Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp có liên quan đến tăng nhẹ nguy cơ viêm da cơ địa, trong đó nguy cơ cao nhất với nhóm chẹn kênh canxi và nhóm lợi tiểu, nguy cơ thấp nhất với nhóm ức chế enzym chuyển angiotensin và nhóm chẹn beta. Hiện nay, vẫn cần thêm các nghiên cứu khác để làm rõ các cơ chế tiềm ẩn của mối liên quan này. Tuy nhiên, những thông tin từ nghiên cứu này cũng rất hữu ích để các nhà lâm sàng có phương pháp quản lý bệnh nhân cao tuổi mắc viêm da cơ địa.

Nguồn: Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc

 

KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRONG VÀ SAU MÙA MƯA LŨ

Mùa mưa bão đang về, thời tiết bất thường kèm theo lũ lớn đổ về gây ngập lụt và tình trạng ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi làm cho dịch bệnh phát triển mạnh; Các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng người dân. Do đó, cùng với sự nỗ lực phòng chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, mọi người cần nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trong và sau mùa mưa, lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải… hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu nước sạch, khi đó mầm bệnh từ các vùng nước ngập đọng, từ xác súc vật chết bị thối rữa tiếp tục lây lan nên có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh. Thực tế đã chứng minh rằng ở các vùng, miền sau mưa, lũ, dịch bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh: Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Tả, Lỵ, Đau mắt đỏ, các bệnh về da… gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh trong mùa mưa lũ do nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại các khu vực bị lũ lụt, bà con cần đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, hóa chất khử trùng nước, đặc biệt là chủ động giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch để kịp thời huy động, bố trí lực lượng như đội cơ động phòng chống dịch xử lý kịp thời tại các vùng xảy ra ngập úng, lũ quét; Cung cấp hóa chất và hướng dẫn cho từng hộ gia đình ở những vùng trọng điểm để xử lý môi trường và nguồn nước. Công tác vệ sinh môi trường, chủ động xử lý làm sạch nguồn nước sinh hoạt cần được phổ biến và tuyên truyền rộng khắp đến từng hộ gia đình để mọi người nắm được và nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn ngành chuyên môn.

5

Để phòng, chống các dịch bệnh dễ gặp trong mùa mưa bão, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, chú trọng an toàn thực phẩm, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

1. Thực hiện ăn chín uống chín, đảm bảo an toàn thực phẩm trong ăn uống hàng ngày.

2. Thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác sạch gọn, tổng vệ sinh xúc rửa lu, phi chứa nước hàng tuần hay đậy kín các dụng cụ chứa nước phòng bệnh Sốt xuất huyết.

3. Về nguồn nước sinh hoạt ăn uống thì chỉ sử dụng nguồn nước máy, nếu nơi nào chưa có nước máy thì dùng nguồn nước mưa nhưng phải đảm bảo trữ nước không phát sinh lăng quăng.

4. Khi không có đủ điều kiện đun sôi nước uống trong vùng lũ, lụt, bà con cho nước sạch vào chai nhựa rồi phơi nắng trên mái nhà khoảng 4-5 tiếng đồng hồ là coi như nước đã nấu chín.

5. Kịp thời phát hiện và dập tắt dịch bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, bệnh tả, lỵ, thương hàn…

6. Tăng cường sức khỏe, dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý nhằm có đủ sức đề kháng chống lại sự xâm nhập bệnh tật.

7. Khi có phát sinh dịch bệnh nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn: CDC

ĐÀ NẴNG: HIỆU QUẢ SAU 5 NĂM TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH

          Sau hơn 5 năm từ khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 29-12-2018 về đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả, cơ bản hoàn thành các mục tiêu cụ thể.

            TIỆN LỢI CHO NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

           Thành phố có 27 dự án ưu tiên thuộc đề án Thành phố thông minh hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng kinh phí thực hiện 214,4 tỷ đồng; 4 dự án đã phê duyệt hồ sơ thiết kế thi công với tổng kinh phí 82,5 tỷ đồng và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2024-2025; 8 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí trên 884 tỷ đồng, trong đó có các dự án đáng chú ý như hiện đại hóa trung tâm chỉ huy 404 tỷ đồng, trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh 258 tỷ đồng…

          Thành phố triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp sử dụng, tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số như nền tảng tích hợp đa dịch vụ, tiện ích Danang Smart City (hơn 1,2 triệu lượt tải); nền tảng công dân số MyPortal (hơn 320.000 người dân có tài khoản); 1 kho dữ liệu số trên hệ thống Chính quyền điện tử; Cổng góp ý Đà Nẵng và Cứu hộ (1.000 lượt góp ý, phản ánh/tháng); ứng dụng Cho và nhận và Tổng đài (10.000 lượt góp ý/tháng); ứng dụng Chatbot tư vấn tự động về hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công (hơn 4.000 lượt tư vấn/tháng).

           TIẾP TỤC TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM ĐẾN NĂM 2025

           Theo Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 7-4-2022 về kế hoạch thực hiện đề án xây dựng Thành phố thông minh trong năm 2022-2025, Đà Nẵng ưu tiên một số nhiệm vụ: phát triển hạ tầng mạng di động 5G, hạ tầng Internet vạn vật (IoT); hoàn thành nâng cấp, mở rộng trung tâm dữ liệu thành phố với nền tảng điện toán đám mây; xây dựng quy hoạch mạng lưới hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố, hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung bảo đảm khả năng xử lý đa dạng các loại dữ liệu; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các trung tâm giám sát chuyên ngành, kết nối, chia sẻ với Trung tâm Giám sát điều hành thông minh thành phố (IOC) và các trung tâm điều hành quận, huyện; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị đồng bộ, thống nhất trên hệ thống thông tin địa lý GIS với đầy đủ các lớp dữ liệu đất đai, xây dựng, giao thông…

           GIỮ VỮNG THƯƠNG HIỆU “THÀNH PHỐ THÔNG MINH”

          Qua hơn 5 năm triển khai xây dựng Thành phố thông minh, Đà Nẵng được tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao thông qua các giải thưởng: ASOCIO Smart City 2019 của Tổ chức Công nghệ điện toán châu Á - châu Đại dương; Thành phố lấy con người làm trung tâm (Human-CentriCity) của giải thưởng Thành phố thông minh Seoul lần thứ nhất diễn ra tháng 9-2023; 4 năm liên tiếp (2020-2023) được vinh danh là Thành phố thông minh Việt Nam của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam; 4 năm liên tiếp (2020-2023) đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam; 3 năm liên tiếp (2020-2022) xếp hạng Nhất chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh; 2 năm liên tiếp (2022-2023) là địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tại lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam- I4.0 Awards”. 

          Nguồn: Báo Đà Nẵng điện tử (baodanang.vn)

TGA: Khuyến cáo về an toàn thuốc chứa dược liệu xuyên tâm liên (Andrographis paniculata)

 
TGA: Khuyến cáo về an toàn thuốc chứa dược liệu xuyên tâm liên (Andrographis paniculata)
 

Thông tin về xuyên tâm liên:Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) là dược liệu được sử dụng phổ biến trong y học Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là thành phần dược liệu thường gặp trong thuốc điều trị triệu chứng cảm cúm hoặc tăng cường miễn dịch.

Báo cáo về phản ứng dị ứng khi sử dụng thuốc chứa xuyên tâm liên

TGA đã đưa ra báo cáo về an toàn về dược liệu này năm 2015, ghi nhận có mối liên hệ giữa việc sử dụng xuyên tâm liên và phản ứng dị ứng, trong đó có phản vệ. Vào năm 2019, thông tin sản phẩm thuốc chứa xuyên tâm liên được cập nhật bổ sung thêm thông tin: “Xuyên tâm liên có thể gây phản ứng dị ứng ở một số bệnh nhân. Nếu bệnh nhân gặp phản ứng nặng (như phản vệ), cần ngừng thuốc và liên hệ với cơ sở y tế".

Từ năm 2005, TGA đã ghi nhận hơn 300 báo cáo phản vệ/quá mẫn với thuốc chứa thành phần xuyên tâm liên; trong đó hơn 200 báo cáo được ghi nhận từ năm 2019. Trong tháng 6/2024, đã có báo cáo tử vong liên quan đến phản vệ sau khi sử dụng thuốc chứa xuyên tâm liên.

Hơn 80% biến cố bất lợi của xuyên tâm liên là từ thuốc chứa nhiều thành phần dược liệu khác nhau bao gồm xuyên tâm liên, hoa cúc tím (Echinacea) và 1 số thành phần khác. Hoa cúc tím là thành phần dược liệu thường gặp trong thuốc điều trị triệu chứng cảm cúm hoặc tăng cường miễn dịch. Hoa cúc tím cũng được báo cáo gây ra phản ứng dị ứng, trong đó có phản vệ.

Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về yếu tố nguy cơ của phản ứng dị ứng gây ra bởi xuyên tâm liên. TGA đang tiếp tục đánh giá an toàn và xem xét cảnh báo trong thông tin sản phẩm của thuốc chứa xuyên tâm liên cần đề cập nguy cơ này.

Thông tin cho nhân viên y tế: Cần lưu ý thuốc chứa xuyên tâm liên có thể gây ra phản ứng dị ứng, trong đó một số trường hợp có thể nặng và phản vệ. Ngoài ra, dược liệu cúc hoa tím có thể là nguyên nhân dị ứng.

Trên những bệnh nhân có triệu chứng quá mẫn, cần khai thác tiền sử sử dụng thuốc dược liệu của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân từng gặp bất kì phản ứng dị ứng nào sau khi sử dụng thuốc chứa xuyên tâm liên/hoa cúc tím, cần tránh sử dụng các thuốc có chứa các thành phần này.

Thông tin cho đơn vị kinh doanh thuốc chứa xuyên tâm liên

Thông tin sản phẩm của thuốc chứa xuyên tâm liên cần có phần cảnh báo người dùng về nguy cơ dị ứng.

Tổng kết

Sử dụng thuốc chứa dược liệu xuyên tâm liên có thể gặp phản ứng dị ứng, trong đó có phản vệ đe dọa tính mạng có thể xảy ra ở một số người

Đã ghi nhận báo cáo gặp dị ứng nặng ở người đã từng sử dụng thuốc này trước đây nhưng không gặp phản ứng.

Xuyên tâm liên là thuốc có nguồn gốc dược liệu, có thể mua không cần kê đơn tại các siêu thị, nhà thuốc và cửa hàng bán thực phẩm chức năng.

Bệnh nhân nên ngừng sử dụng thuốc chứa xuyên tâm liên và liên hệ nhân viên y tế nếu gặp dấu hiệu của phản ứng dị ứng.

Nếu bệnh nhân gặp triệu chứng của phản ứng dị ứng nặng, nên đi điều trị tại cơ sở y tế ngay lập tức. Triệu chứng dị ứng bao gồm thở khó và thở rít; sưng lưỡi; sưng hoặc tức họng; thở khò khè hoặc ho dai dẳng; nói khó hoặc khàn giọng; chóng mặt dai dẳng hoặc ngất.

Nếu bệnh nhân từng gặp phải triệu chứng dị ứng sau khi dùng thuốc chứa xuyên tâm liên, cần tránh sử dụng thuốc chứa dược liệu này.

Nguồn: http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2572/TGA-khuyen-cao-ve-an-toan-thuoc-chua-xuyen-tam-lien.htm

Thận trọng sử dụng thuốc chủ vận GLP-1

Nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn nghiêm trọng khi lạm dụng thuốc chủ vận GLP-1
 

Các thuốc chủ vận GLP-1 kiểm soát đường huyết bằng cách liên kết với các thụ thể của hormon GLP-1 (peptid giống glucagon-1), một loại hormon có tác dụng điều chỉnh lượng glucose trong máu và sự thèm ăn. Thuốc được chỉ định để điều trị đái tháo đường typ II không được kiểm soát đầy đủ hoặc kiểm soát cân nặng đối với bệnh nhân béo phì mắc đái tháo đường typ II. Những loại thuốc này đôi khi bị sử dụng sai mục đích, dùng để giảm cân vì mục đích thẩm mỹ thay vì mục đích điều trị.

Kết quả khảo sát tác dụng không mong muốn nghiêm trọng của thuốc chủ vận GLP-1 trên toàn nước Pháp trong giai đoạn 2019-2023 đã chỉ ra một số vấn đề đáng lo ngại. Một số vấn đề đã được đánh giá hoặc đang trong quá trình đánh giá ở cấp độ toàn châu Âu.

Hiện tại, ANSM mới chỉ ghi nhận một số ít trường hợp gặp tác dụng không mong muốn nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng thuốc chủ vận GLP-1, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, một khi nguồn cung được đảm bảo, nhiều bệnh nhân có thể tiếp cận được các thuốc này hơn, từ đó có thể xuất hiện sự gia tăng rõ rệt các trường hợp gặp tác dụng không mong muốn nghiêm trọng khi sử dụng thuốc chủ vận GLP-1. 

Dựa trên Hệ thống dữ liệu y tế Quốc gia (SNDS), Epi-Phare đã có kế hoạch đánh giá các biến cố trên tiêu hóa hiếm gặp nhưng nghiêm trọng khi sử dụng thuốc chủ vận GLP-1, bao gồm viêm tụy, tắc ruột và liệt dạ dày. Epi-Phare sẽ ước tính tỷ suất nguy cơ khi thực hiện gây mê cho bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chủ vận GLP-1, đặc biệt đối với nguy cơ viêm phổi do hít (do thức ăn đi vào đường hô hấp). Đồng thời, nhóm này cũng sẽ nghiên cứu về khả năng gia tăng nguy cơ có ý định tự tử ở những bệnh nhân trên do mối quan hệ này giữa biến cố này với việc sử dụng thuốc chủ vận GLP-1 hiện vẫn chưa được chứng minh. Cuối cùng, các nghiên cứu sẽ tập trung vào việc theo dõi các tác dụng không mong muốn lâu dài, hiện chưa được biết đến hoặc rất hiếm, ví dụ nguy cơ ung thư tuyến giáp hoặc ung thư đường tiêu hóa.

Những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng này là chủ đề của các nghiên cứu trong bối cảnh việc sử dụng các thuốc chủ vận GLP-1 ngày càng gia tăng, cả sử dụng theo chỉ định cũng như sai mục đích. Theo ước tính mới nhất từ ​​Quỹ Bảo hiểm Y tế Quốc gia, trong số những bệnh nhân sử dụng Ozempic (semaglutid), 1,5% trong số đó được coi là sử dụng sai mục đích. Con số này có thể thấp hơn thực tế vì được thống kê trong Hệ thống dữ liệu y tế Quốc gia và chỉ tính đến thuốc được phân phối tại các hiệu thuốc và được hoàn trả.

Lưu ý rằng không nên sử dụng thuốc chủ vận GLP-1 để giảm cân vì mục đích thẩm mỹ, nghĩa là để giảm cân ở người không béo phì hoặc người thừa cân không có vấn đề về sức khỏe liên quan đến cân nặng. Đối với những trường hợp này, các bác sĩ cần đưa ra lời khuyên về việc điều chỉnh lối sống và chế độ ăn hợp lý trước tiên.

 

Nguồn: Actualité - Analogues du GLP-1 : point sur la surveillance des effets indésirables graves et mésusages - ANSM (sante.fr)

http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2573/ANSM-cap-nhat-nguy-co-gap-tdkmm-khi-su-dung-chu-van-glp-1.htm

 

Nguy cơ ngộ độc liên quan đến thuốc pha chế chứa Cà độc dược

 
TGA: Nguy cơ ngộ độc liên quan đến thuốc pha chế chứa Cà độc dược
điều trị hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
 

Nhân viên y tế và người chăm sóc trẻ cần nhận thức đầy đủ về nguy cơ ngộ độc cà độc dược ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để có biện pháp xử trí kịp thời.

Thuốc pha chế điều trị hội chứng quấy khóc chứa cà độc dược (Atropa belladonna) có thể gây ra các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bao gồm: khô miệng, khô da, giãn đồng tử, bí tiểu, mệt mỏi và biếng ăn. 

Gần đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA) đã nhận được báo cáo về một số biến cố bất lợi nghiêm trọng trên trẻ sơ sinh và trẻ em khi sử dụng thuốc pha chế để điều trị đầy hơi và hội chứng quấy khóc có chứa cà độc dược. Vì vậy, TGA đang tiến hành đánh giá và xác định các biện pháp xử trí cần thiết.

Thuốc pha chế là thuốc được pha chế theo đơn bởi nhân viên y tế, thường là dược sĩ từ những nguyên liệu làm thuốc ban đầu. 

TGA không đánh giá an toàn, chất lượng và hiệu quả của thuốc pha chế theo đơn điều trị triệu chứng đầy hơi và hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiện nay, các thuốc này tại Úc được pha chế dựa trên quy định từ hướng dẫn của Hội đồng Dược phẩm Úc và tiêu chuẩn thực hành chuyên môn.

Nguồn: http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2567/TGA-nguy-co-ngo-doc-thuoc-pha-che-chua-ca-doc-duoc-dieu-tri-hoi-chung-quay-khoc-o-tre-so-sinh-va-tre-nho.htm

 

Thuốc điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn đầu

 
Thuốc điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn đầu
 
 

Kisunla là thuốc vừa được FDA phê duyệt để điều trị cho người lớn mắc bệnh Alzheimer (AD) có triệu chứng giai đoạn đầu…

Theo đó, kisunla (donanemab-azbt) là một phương pháp điều trị nhắm mục tiêu amyloid dành cho những người bị suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) cũng như những người bị chứng mất trí nhẹ ở giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer có triệu chứng, với bệnh lý amyloid đã được xác nhận.

Amyloid là một loại protein được sản xuất tự nhiên trong cơ thể có thể kết tụ lại với nhau để tạo thành các mảng bám amyloid. Sự tích tụ quá mức các mảng bám amyloid trong não có thể dẫn đến các vấn đề về trí nhớ và tư duy liên quan đến bệnh Alzheimer.

Kisunla có thể giúp cơ thể loại bỏ sự tích tụ quá mức các mảng bám amyloid và làm chậm quá trình suy giảm nhận thức. Thuốc dùng một lần mỗi tháng nhắm đã chứng minh được những kết quả rất có ý nghĩa đối với những người mắc bệnh Alzheimer có triệu chứng sớm, những người đang rất cần các phương án điều trị hiệu quả.

Tác dụng phụ phổ biến của thuốc khi dùng là đau đầu. Kisunla cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và liên quan đến truyền dịch. Do đó, không dùng kisunla nếu người bệnh có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với donanemab-azbt hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Các triệu chứng dị ứng này có thể bao gồm sưng mặt, môi, miệng hoặc mí mắt, khó thở, nổi mề đay, ớn lạnh, kích ứng da, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, đau đầu hoặc đau ngực.

Người bệnh sẽ được theo dõi ít nhất 30 phút sau khi dùng kisunla để xem có bất kỳ phản ứng nào không. Thông báo kịp thời cho bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng này hoặc bất kỳ phản ứng nào trong hoặc sau khi truyền kisunla.

Để dùng thuốc an toàn, trước khi dùng kisunla, người bệnh cần cho bác sĩ biết về các thuốc và tình trạng sức khỏe sau:

- Tất cả các loại thuốc đang dùng: Bao gồm thuốc theo đơn, không kê đơn, vitamin và thực phẩm chức năng thảo dược,.. đặc biệt nếu bạn dùng thuốc để giảm hình thành cục máu đông (thuốc chống huyết khối, bao gồm aspirin).

- Các tình trạng sức khỏe bao gồm: Đang mang thai, cho con bú hoặc có kế hoạch mang thai hoặc cho con bú. Thuốc chưa được nghiên cứu ở những đối tượng này nên không biết liệu kisunla có thể gây hại cho thai nhi hoặc em bé đang bú sữa mẹ của bạn hay không.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-benh-alzheimer-giai-doan-dau-169240703125955317.htm

 

BỆNH BẠCH HẦU VÀ HƯỚNG DẪN PHÒNG BỆNH

                                                         BỆNH BẠCH HẦU VÀ HƯỚNG DẪN PHÒNG BỆNH

   Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

   Bệnh bạch hầu có tính chất gây dịch, thuộc nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên. Tỷ lệ tử vong của bệnh lên tới 5-10% ngay cả khi được điều trị.

   Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi; miễn dịch có được sau mắc bệnh thường bền vững. Sau tiêm vắc xin liều cơ bản miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm nhắc lại.

*  Để chủ động phòng tránh bệnh bạch hầu cần thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh bạch hầu:

1. Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu. 

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.

3. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi;                  

4. Giữ vệ sinh miệng, mũi, họng hàng ngày;

5. Đảm bảo nhà ở, nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng vì dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn bạch hầu chỉ sống được vài giờ còn trong điều kiện thiếu ánh sáng, vi khuẩn sống tới 6 tháng. 

6. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh;

7. Nếu có dấu hiệu nghi bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời;

8. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định của cán bộ y tế.

Nguồn: http://soytedanang.gov.vnhttps//soyte.danang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc?dinhdanh=217701&cat=0

             https://benhnhietdoi.vn/chuyen-de/chi-tiet/benh-bach-hau-diphtheria/178

 

11 BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ CÂY HÚNG CHANH

                                 11 BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ CÂY HÚNG CHANH

Húng chanh tên gọi khác là rau thơm lùn, rau tần, tần dày lá. Tên khoa học là Coleus aromaticus Benth. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labitatae).

Húng chanh là cây thân thảo sống lâu năm, chiều cao trung bình 20 - 50 cm, thân có lông mịn giòn, mùi thơm, lá mọng nước, hạt trái xoan mọc đối xứng nhau.

Mép lá có răng cưa to nhưng không nhọn. Hai mặt bên có màu xanh, lông đơn. Hoa có màu tím đỏ, mọc ở đầu cành, ở ngọn thân. Bộ phận dùng là lá cây húng chanh.

- Thành phần dược liệu chứa hoạt chất đỏ calein, tinh dầu carracol, ngoài ra húng chanh giàu hàm lượng beta carotene, vitamin K, acid ascarbe.

- Tính vị: Dược liệu có vị cay, tính ấm, không độc.

- Tác dụng: Khu phong, tán hàn, tiêu đờm, tiêu viêm, giải độc.

1. Bài thuốc chữa bệnh từ húng chanh

- Chữa viêm họng, khàn tiếng

Cách 1: Sử dụng 30 g lá húng chanh tươi rửa sạch, nhai với muối, nuốt nước, bỏ bã trong 5 - 7 ngày, 2 lần/ngày.

Cách 2: Lá húng chanh 20 g rửa sạch, thái nhỏ, cho vào chén rồi thêm 20g đường phèn hấp cách thủy, lọc lấy nước uống. Sử dụng 1 lần/ngày, trong 5 - 7 ngày.

- Chữa ho kéo dài kèm đờm trắng loãng: Sử dụng 15 - 16 lá húng chanh tươi rửa sạch, cho vào bát rồi cho mật ong vào đun hấp cách thủy. Lấy nước uống 2 lần/ngày, liên tục trong 5 - 7 ngày.

- Trị cảm cúm, nhức đầu, nghẹt mũi: Lấy 15 - 20 g lá húng chanh tươi, cho thêm 12 g gừng, khoảng 300 ml nước nấu còn 100 ml nước uống, 2 lần/ngày, trong 3 - 5 ngày.

Chữa hôi miệng: Dùng lá húng chanh khô sắc lấy nước ngậm và súc miệng hàng ngày trong 5-7 ngày.

- Giảm chướng bụng, đầy hơi, mót rặn: Hãm lá cây húng chanh uống như nước trà trong 5-7 ngày liên tục giúp giảm triệu chứng bệnh.

Chữa dị ứng: Sắc 15 g lá húng chanh khô với 2 bát nước. Thuốc cạn còn 1 bát chia làm 3 phần uống trong ngày. Bên cạnh đó dùng lá húng chanh tươi giã nát trộn với ít muối hạt đắp vào vùng sưng tấy.

- Trị chảy máu cam: Lấy 20 g lá húng chanh, 100 g hòe hoa sao đen, 15 g trắc bá diệp sao đen, 15 g cam thảo đất. Các nguyên liệu sắc uống kết hợp với lá húng chanh vò nát nhét vào lỗ mũi khi chảy máu cam.

- Cải thiện chức năng thận: Lấy 15 g lá húng chanh, 10 g rau mã đề, sắc lấy nước uống trong 7-10 ngày giúp lợi tiểu, giảm độc tố.

- Trị viêm khớp, đau các khớp: Lấy 15 g lá húng chanh, 10 g ly thiêm thảo. Sắc 3 bát nước còn lại 1 bát uống chia 02 lần, trong 5 - 7 ngày.

- Chữa cảm sốt không ra mồ hôi: Lấy 20 g lá húng chanh tươi 15 g tía tô, 5 g gừng tươi, thái lát mỏng, 15 g cam thảo đất. Sắc uống ngày 1 thang, uống ngày 1 lần khi thuốc ấm để ra mồ hôi.

- Chữa lỵ ra máu: Lấy 20 - 40 g lá húng chanh tươi rửa sạch, thái nhỏ, trứng gà 1 - 2 quả, bỏ lòng trắng, lấy lòng đỏ trộn chung rồi đem hấp cách thủy đến chín, ngày ăn 2 lần. Ăn trong 05 - 07 ngày.

2. Lưu ý khi sử dụng húng chanh

- Không sử dụng thảo dược với người có cơ địa dị ứng với vị thuốc.

- Lá và thân cây húng chanh có nhiều lông gây kích ứng nên người có làn da nhạy cảm nên chú ý khi dùng.

- Không sử dụng dược liệu cho phụ nữ có thai, cho con bú.

- Khi sử dụng thảo dược kéo dài cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

NGUỒN: https://suckhoedoisong.vn/11-bai-thuoc-chua-benh-tu-cay-hung-chanh-169240108111457522.htm

 

Thận trọng khi sử dụng các thuốc

 
Thận trọng khi sử dụng các thuốc có nguy cơ cao

Cơ quan Y tế Quốc gia Pháp (HAS) đã đưa ra các cảnh báo về nguy cơ sai sót khi sử dụng các thuốc có nguy cơ cao, bao gồm: (1) Sai sót quá liều tramadol trên bệnh nhi nhỏ tuổi gây suy hô hấp cấp; (2) Sai sót trong quản lý thuốc giãn cơ gây ngừng hô hấp; (3) Sai sót quá liều methotrexat dẫn đến tử vong

Sai sót 1: Quá liều tramadol trên bệnh nhi nhỏ tuổi gây suy hô hấp cấp

Một bệnh nhi 8 tuổi đã phải can thiệp cấp cứu suy hô hấp tại khoa phẫu thuật chỉnh hình sau khi được phẫu thuật nối xương do gãy xương bàn tay. Nguyên nhân là do bác sĩ thực tập đã kê đơn tramadol quá liều gấp 5-10 lần liều tối đa cho phép của tramadol trên bệnh nhân nhi để giảm đau sau khi không đáp ứng với các thuốc giảm đau bậc 1.

Trên thực tế, bệnh nhi được nhập viện điều trị tại khoa phẫu thuật chỉnh hình dành cho người lớn. Tại khoa hiện chưa có các quy định về liều lượng và cách sử dụng thuốc dành cho trẻ em. Đồng thời, các cán bộ nhân viên y tế không quen thuộc với việc kê đơn và sử dụng thuốc cho trẻ em cũng như các công thức tính toán cho đối tượng bệnh nhân này.

Do vậy, bác sĩ thực tập đã kê đơn tramadol đường uống mà không kiểm tra liều lượng. Y tá không yêu cầu viết giấy xác nhận kê đơn thuốc và không kiểm tra kỹ liều lượng đối với trường hợp sử dụng bất thường này trong khoa. Bên cạnh đó, khoa chưa xây dựng phác đồ điều trị giảm đau trong vòng 24 giờ sau mổ. Ngoài ra, y tá đã ngắt lời bác sĩ thực tập khi họ đang thông báo về trường hợp ca bệnh do ngày xảy ra sai sót là cuối tuần, các nhân viên đều căng thẳng, bận rộn trong khi người nhà bệnh nhân lo lắng vì cơ đau của bệnh nhi.

Sai sót 2: Sai sót trong quản lý thuốc giãn cơ gây ngừng hô hấp

Một bệnh nhân nữ 40 tuổi nhập viện để nội soi đại tràng gây mê toàn thân. Bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức sau khi kết thúc thủ thuật và được y tá tiêm thuốc chống co thắt (trimebutin). Ngay lập tức, bệnh nhân ngừng hô hấp, phải can thiệp đặt nội khí quản, dùng thuốc an thần và chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt.

Trên thực tế, y tá đã sử dụng thuốc giãn cơ (cisatracurium) thay vì thuốc chống co thắt (trimebutin)

Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự nằm ở việc lưu trữ thuốc giãn cơ. Cụ thể: 

- Các chế phẩm y tế được bảo quản trong tủ lạnh theo thứ tự bảng chữ cái, nhưng không có sự phân biệt về danh pháp INN của các thuốc có nguy cơ cao như thuốc giãn cơ;

- Thuốc giãn cơ không được bảo quản an toàn, đặt cạnh thuốc chống co thắt; 

- Bao bì bên ngoài của các thuốc bảo quản trong tủ lạnh đã bị loại bỏ, dẫn đến không thể phân biệt rõ ràng thông tin về danh pháp INN, liều lượng, dạng bào chế và đường dùng;

- Ánh sáng trong tủ lạnh không tốt khiến việc nhận dạng trực quan không chính xác.

 Bên cạnh đó, sai sót gây ra do y tá không kiểm tra tên thuốc trước khi tiêm. Trong trường hợp này, y tá đã làm việc 2 đêm trước đó và ngày xảy ra sai sót là ngày cuối cùng y tá này làm việc tại bộ phận, trước được điều chuyển công tác.

 Sai sót 3: Tử vong do quá liều methotrexa

Một bệnh nhân nữ 80 tuổi nhập viện dưỡng lão và được sử dụng methotrexat. Sau khi có biểu hiện giảm tiểu cầu và thiếu máu, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện và tử vong sau đó.

Nguyên nhân trực tiếp là y tá đã cho bệnh nhân sử dụng methotrexat với liều 1 viên/ngày trong 8 ngày liên tiếp, trong khi chỉ định là 1 viên/tuần.

Tuy nhiên, sai sót gây ra do các nguyên nhân gián tiếp sau đây:

- Lựa chọn chế phẩm thuốc mà không tham khảo các hướng dẫn điều trị quốc gia, dẫn đến thiếu các thông tin cảnh báo.

- Không tiến hành các rà soát thuốc do thiếu dược sĩ.

- Đơn thuốc định kỳ của bác sĩ không được xem xét

- Nhân viên y tế không đọc danh mục thuốc nguy cơ cao hoặc tạp chí dược phẩm đề cập về methotrexat ở bệnh viện.

- Y tá không kiểm tra lại khi chuẩn bị lọ thuốc hoặc khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc. Quy trình chuẩn bị/sử dụng các thuốc nguy cơ cao dù có sẵn nhưng không được y tá xem khi chuẩn bị/sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

- Không tuân thủ tờ thông tin sản phẩm của thuốc, mặc dù bản sao của chuyên luận thuốc trong dược thư đã có sẵn trong bệnh án điện tử.

Các giải pháp nhằm hạn chế sai sót

Các phân tích về các phản ứng có hại nghiêm trọng từ cơ sở dữ liệu REX-EIGS đã chỉ ra có gần 250 sai sót về thuốc, trong đó 75% các phản ứng có liên quan đến các thuốc có nguy cơ cao. Sai sót liên quan đến sử dụng sai thuốc không xảy ra thường xuyên nhưng có hậu quả  nghiêm trọng cho bệnh nhân. Vì vậy sử dụng thuốc an toàn là cần thiết.

Các giải pháp bao gồm:

- Xác định các thuốc nguy cơ cao ở từng bước quản lý thuốc đặc biệt là danh mục thuốc cho mỗi chuyên ngành để các nhân viên y tế có thể nhận biết và xác định các thuốc có nguy cơ cao;

- Thiết lập các biện pháp an toàn cho từng bước quản lý thuốc để ngăn chặn sai sót: tiêu chuẩn hóa các quy tắc kê đơn, cấp phát, điều trị và bảo quản;  đưa ra các Hướng dẫn thực hành tốt các thuốc nguy cơ cao, đặc biệt là các thuốc có thể sử dụng ngay,... 

Các quy tắc trên là các quy tắc chung có thể áp dụng cho các thuốc nguy cơ cao. Cần xây dựng hàng rào an toàn cho mỗi bước quản lý ở từng nhóm thuốc nguy cơ cao.

Nguồn: http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2549/HAS-than-trong-khi-su-dung-cac-thuoc-co-nguy-co-cao.htmâ

 

Vị thuốc Quất hồng bì

                                                   Vị thuốc Quất hồng bì

Bộ phận dùng làm thuốc của cây hồng bì

Hồng bì còn có tên gọi khác là hoàng bì, quất hồng bì, có tên khoa học là Clausena lausum Skeels., thuộc họ cam quýt Rutaceae. Cây hồng bì được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta để lấy quả ăn. Các bộ phận của cây được dùng làm thuốc bao gồm quả, lá, hạt hồng bì.

Quả hồng bì: Vị chua, tính bình. Quy kinh tâm, phế, thận. Có tác dụng thuận khí, kiện tỳ, tiêu đờm thấp và nước ứ đọng ở hông, ngực. Chủ trị nôn mửa, đờm thấp ứ đọng, đau tức dưới tim…

Lá hồng bì: Vị cay, đắng, ấm, có tác dụng phát tán, giải biểu, hóa đàm, chỉ khái. Chủ trị ho sốt, cảm nắng, cảm cúm, sốt rét.

Hạt hồng bì: Vị đắng, the, tính ấm. Quy kinh vị, tràng, có tác dụng tiêu viêm, chỉ thống, thông phủ. Chủ trị đau dạ dày, viêm đại tràng co thắt.

Bài thuốc có hồng bì

Nôn mửa, đờm thấp ứ đọng, đau tức dưới tim: Quả hồng bì với lượng tùy dùng, nhai cả vỏ, nuốt hoặc sắc đặc uống.

Chữa ho cảm, ho gió: Lấy 3 quả hồng bì bổ đôi với lượng đường phèn vừa đủ, hấp ăn.

Ho sốt, cảm nắng, cảm cúm, sốt rét: Lá hồng bì 40- 60g, sắc uống nóng cho ra mồ hôi.

Chữa đau dạ dày, viêm đại tràng co thắt: Dùng hạt hồng bì sấy khô, tán mịn, uống 6 - 10g/lần, ngày 03 lần.

Cách sử dụng hồng bì ngâm mật ong chữa ho

Theo y học cổ truyền, mỗi phần của quả hồng bì đều có tính vị và dược tính khác nhau. Phần quả có vị chua ngọt, tính nóng có tác dụng giảm đờm, giảm ho, ngăn ngừa cảm giác buồn nôn, kích thích tiêu hóa.

Theo y học hiện đại, quả hồng bì có tác dụng chữa ho, ho có đờm, nhất là ho ở trẻ em.

Cách làm quất hồng bì ngâm mật ong chữa ho

Mật ong chứa nhiều chất chống oxy hóa, là nguyên liệu phổ biến trong các bài thuốc trị ho. Ngâm quất hồng bì với mật ong giúp bảo quản được lâu, tăng hiệu quả trị ho và thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn. Cách làm như sau:

Nguyên liệu: 500g quất hồng bì gần chín, tươi, quả to, vỏ có màu vàng đậm không bị dập; 200ml mật ong nguyên chất. Muối ăn vừa đủ.

Cách làm:

  • Quất hồng bì rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng để loại bỏ thuốc trừ sâu, tạp chất bên ngoài, sau đó để ráo nước.
  • Thái lát mỏng quất hồng bì hoặc rạch bên ngoài vỏ để mật ong thấm nhanh hơn trong quá trình ngâm.
  • Xếp quất vào lọ thủy tinh, đổ mật ong ngập từng lớp quất, mỗi lớp cao khoảng 2cm, cho đến khi hết quất.
  • Đảm bảo phần mật ong bao phủ hết quất. Đậy kín nắp lọ thủy tinh, bảo quản ở nhiệt độ phòng khoảng 30 độ C. Sau vài ngày, nước quất hòa quyện với mật ong, quả quất teo dần là có thể sử dụng được.

Cách ngâm quất hồng bì với đường phèn

Nguyên liệu: 500g quất hồng bì tươi, 1kg đường phèn.

Cách làm:

  • Rửa quất bằng nước sạch, ngâm qua nước muối pha loãng cho sạch bụi bẩn, sau đó để ráo nước.
  • Cho quất vào hũ, rắc đường phèn lên trên, xen kẽ từng lớp quất và đường phèn cho đến hết.
  • Đậy kín nắp và bảo quản nơi khô ráo, nhiệt độ phòng, sau 3 tháng là có thể sử dụng. Lúc này đường phèn đã tan hết, nước quất tiết ra sánh lại có màu vàng.

Lưu ý khi sử dụng quất hồng bì ngâm mật ong, đường phèn

Sau khi ngâm quất hồng bì với mật ong, đường phèn. Nếu bị ho nhẹ, có thể lấy vài miếng quất ngâm ăn trực tiếp để giảm các triệu chứng khó chịu ở cổ họng. Ngoài ra, có thể pha với nước uống vào mỗi buổi sáng để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Quất ngâm mật ong, đường phèn có thể cho trẻ bị ho sử dụng. Tuy nhiên, chỉ áp dụng với trường hợp ho nhẹ, ho do cảm lạnh, ho có đờm… Nếu ho kèm theo các biểu hiện nặng như sốt cao, nôn trớ, cơ thể tím tái,… thì nên đưa trẻ đi khám.

Để đảm bảo hiệu quả cao khi dùng quất ngâm mật ong, đường phèn trị ho, nên kết hợp ăn thức ăn mềm và dễ nuốt, tránh các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ…, nghỉ ngơi và tập thể dục để cơ thể nhanh hồi phục.

Nguồn://suckhoedoisong.vn/quat-hong-bi-vao-mua-cach-su-dung-dung-co-loi-cho-suc-khoe-1692406201500562.htm

 

Chuyên mục phụ

THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH

VIDEO CLIP

VIDEO CLIP TUYÊN TRUYỀN

LIÊN KẾT WEBSITE

YD CO TRUYEN 2

VKN ATVSTP

 

 

 

 
1

TRUNG TÂM KIỂM NGHIỆM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 118 Lê Đình Lý, phường Vĩnh Trung, quận Thanh khê, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0236.3810.247     

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Website: http://kiemnghiemdanang.vn

 

TIN NHIEM WEB