THÔNG TIN

CHỨNG CHỈ ISO/IEC 17025

CHỨNG NHẬN GLP

GLP

PHIEU YCKN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

Dai hoi Dang

Trung tâm Kiểm nghiệm 50 năm hình thành và phát triển

:: Tin chuyên ngành

Sai lầm cần tránh khi dùng thuốc thông mũi (trị ngạt mũi)

Cảm lạnh, cúm hay dị ứng đều có thể gây ngạt mũi. Một số loại thuốc thông mũi không kê đơn (OTC) có thể giúp giảm nhanh tình trạng này.

Pseudoephedrine (sudafed), phenylephrine (sudafed PE, neo-synephrine) và oxymetazoline (afrin) là thuốc thông mũi không kê đơn phổ biến để điều trị nghẹt mũi. Thuốc có tác dụng thông mũi nhanh, nên thường hay bị lạm dụng, dùng không đúng cách… khiến việc dùng các loại thuốc này trở nên không an toàn.

Dưới đây là một số sai lầm thường gặp cần tránh khi dùng thuốc thông mũi:

1. Uống rượu trong khi dùng thuốc thông mũi

Đối với người đang dùng thuốc thông mũi, tốt nhất là tránh xa rượu. Sự kết hợp giữa pseudoephedrine và rượu có thể làm trầm trọng thêm một số tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, đau đầu và lo lắng... Ngoài ra, bản thân rượu cũng có thể gây ra các triệu chứng này.

Thuốc thông mũi cũng có thể che dấu tác dụng của rượu, do đó, bạn có thể không biết mình có say không. Điều này có thể khiến bạn uống nhiều rượu hơn dự định, làm tăng nguy cơ gây hại ngoài ý muốn. Hơn nữa, rượu có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn. Vì vậy, cho dù bạn có dùng thuốc thông mũi hay không, rượu cũng không có lợi cho bạn khi bị ốm.

Nếu dị ứng là nguyên nhân gây nghẹt mũi, tốt nhất vẫn nên tránh rượu. Histamin trong một số loại rượu có thể khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên tồi tệ.

2. Uống thuốc thông mũi lâu hơn khuyến cáo

Có một số rủi ro khi dùng thuốc thông mũi lâu hơn mức cần thiết. Những rủi ro cụ thể có thể tùy thuộc vào loại thuốc thông mũi bạn đang dùng, nhưng có thể bao gồm:

- Nghẹt mũi tái phát: Thuốc thông mũi như afrin có thể gây nghẹt mũi tái phát nếu sử dụng quá lâu. Điều này có thể làm tình trạng nghẹt mũi trầm trọng hơn hoặc khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Chỉ sử dụng thuốc xịt thông mũi trong tối đa 3 ngày liên tiếp để giảm thiểu nguy cơ này.

- Thay đổi huyết áp và nhịp tim: Thuốc thông mũi dạng uống không gây ra tình trạng tắc nghẽn trở lại, nhưng chúng có những rủi ro khác, bao gồm tăng huyết áp và nhịp tim, đặc biệt nguy hiểm đối với những người đã có vấn đề về tim. Nguy cơ gặp phải những rủi ro này càng cao khi dùng thuốc thông mũi dạng uống trong thời gian dài.

- Sự phụ thuộc và lạm dụng: Pseudoephedrin có thể gây nghiện, dẫn đến thèm thuốc và các triệu chứng cai thuốc nếu sử dụng sai.

Nên uống thuốc thông mũi trong bao lâu?

Thuốc thông mũi dạng uống được dùng trong thời gian ngắn:

- Đối với các triệu chứng cảm lạnh và cúm: Nếu bạn tự điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm bằng thuốc thông mũi dạng uống, chỉ nên dùng thuốc trong tối đa 7 ngày. Hãy đi khám, nếu tình trạng nghẹt mũi không cải thiện sau 7 ngày, bị sốt hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

- Đối với dị ứng: Sử dụng thuốc thông mũi dạng uống trong thời gian ngắn (tối đa 7 ngày) có thể hữu ích cho tình trạng nghẹt mũi do dị ứng, nhưng nếu cần điều trị lâu dài để kéo dài qua mùa dị ứng, thuốc xịt mũi steroid, chẳng hạn như flonase (fluticasone) sẽ là lựa chọn tốt hơn.

3. Uống thuốc thông mũi trước khi đi ngủ

Thông mũi có tác dụng kích thích não bộ, có thể khiến người bệnh khó ngủ hơn nếu dùng vào ban đêm. Do đó, thuốc thông mũi dạng uống thường có trong các sản phẩm trị cảm lạnh và cúm "dùng ban ngày" mà không có trong các phiên bản "dùng ban đêm".

Để có giấc ngủ ngon hơn, tránh dùng thuốc thông mũi sau 6 giờ tối hoặc trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.

4. Tăng liều thuốc thông mũi

Tăng liều dùng thuốc không có nghĩa là sẽ có tác dụng tốt hơn mà còn tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, chẳng hạn như đau đầu, bồn chồn và buồn nôn; không nên dùng liều thuốc thông mũi cao hơn khuyến cáo vì lý do tương tự.

Thuốc thông mũi cũng thường có trong các sản phẩm trị cảm lạnh và cúm đa thành phần. Do đó, người dùng cần phải đọc kỹ nhãn, để đảm bảo không dùng quá liều hoạt chất. Đối với những người từ 12 tuổi trở lên, lượng pseudoephedrine tối đa là 240mg trong 24 giờ. Đối với phenylephrine, thường là 60 mg trong 24 giờ. Những lượng này thấp hơn đối với trẻ em dưới 12 tuổi.

Các dấu hiệu dùng quá liều bao gồm nhịp tim nhanh hoặc không đều, khó thở và chóng mặt. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đi khám ngay, nếu các triệu chứng này xuất hiện.

5. Kết hợp thuốc thông mũi với các chất kích thích khác

Thuốc thông mũi có tác dụng kích thích, khi kết hợp với các chất kích thích khác, sẽ gây nguy hiểm. Sự kết hợp này có thể dẫn đến nhịp tim không đều và huyết áp cao. Do đó, người lớn tuổi và những người mắc bệnh tim nên thận trọng hơn.

Có một số loại chất kích thích khác nhau, bao gồm muối amphetamine, phentermine. Caffeine cũng là chất kích thích có trong nhiều loại đồ uống, thực phẩm và sản phẩm OTC. Nếu bạn đang dùng hoặc tiêu thụ bất kỳ chất kích thích nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu dùng thuốc thông mũi, để biết liệu sự kết hợp này có an toàn không hoặc đề xuất các phương pháp thay thế an toàn hơn.

Nguồn: Sức khỏe đời sống.

Nguy cơ gặp phản ứng có hại trên da nghiêm trọng (SCAR) khi sử dụng kháng sinh đường uống

Một nghiên cứu bệnh chứng lồng ghép thuần tập kéo dài 20 năm chỉ ra kháng sinh nhóm sulfonamid và nhóm cephalosporin có nguy cơ xảy ra SCAR cao nhất, sau đó là kháng sinh nhóm nitrofurantoin, penicillin và fluoroquinolon, với kháng sinh macrolid là nhóm tham chiếu.

Lý do triển khai nghiên cứu

Phản ứng có hại trên da nghiêm trọng (cutaneous adverse drug reaction - SCAR) là phản ứng quá mẫn với thuốc trên da và các cơ quan, có khả năng đe dọa tính mạng. Kháng sinh là một nguyên nhân đã biết gây ra những phản ứng này, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào so sánh nguy cơ tương đối giữa các nhóm kháng sinh.

Mục tiêu

Khảo sát nguy cơ xảy ra SCAR liên quan đến thuốc kháng sinh đường uống thường được kê đơn và đặc điểm bệnh nhân nhập viện vì các phản ứng này.

Thiết kế và Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu bệnh chứng lồng ghép sử dụng cơ sở dữ liệu y tế, lựa chọn những người cao tuổi từ 66 tuổi trở lên đã sử dụng ít nhất 1 loại kháng sinh đường uống trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2022 tại bang Ontario, Canada. Nhóm ca bệnh là bệnh nhân nhập khoa cấp cứu (ED) hoặc nhập viện vì SCAR trong vòng 60 ngày kể từ ngày được kê đơn kháng sinh, và mỗi ca bệnh được ghép với tối đa 4 ca chứng là bệnh nhân không cần nhập viện.

Can thiệp

Sử dụng kháng sinh đường uống

Kết quả chính và tiêu chí nghiên cứu

Ước tính hồi quy logistic có điều kiện được sử dụng để phân tích mối liên quan giữa các nhóm kháng sinh đường uống và nguy cơ xảy ra SCAR, sử dụng macrolid làm nhóm tham chiếu.

Kết quả   

Trong giai đoạn nghiên cứu kéo dài 20 năm, 21.758 người cao tuổi (trung vị tuổi là 75; 64,1% là nữ) đã đến khoa cấp cứu hoặc nhập viện vì SCAR sau khi sử dụng kháng sinh và 87.025 trường hợp không phải nhập viện (ca chứng). Kháng sinh nhóm sulfonamid (tỷ lệ chênh đã hiệu chỉnh [aOR], 2,9; khoảng tin cậy 95% Cl 2,7-3,1) và nhóm cephalosporin (aOR, 2,6; 95% Cl 2,5-2,8) có mối liên quan chặt chẽ nhất với SCAR khi so sánh với nhóm macrolid. Kết quả cũng chỉ ra mối liên quan giữa SCAR với nhóm nitrofurantoin (aOR, 2,2; 95% CI, 2,1-2,4), nhóm penicillin (aOR, 1,4; 95% CI, 1,3-1,5) và nhóm fluoroquinolon (aOR, 1,3; 95% CI, 1,2-1,4). Tỷ lệ bệnh nhân đến khoa cấp cứu hoặc nhập viện vì SCAR cao nhất khi sử dụng kháng sinh nhóm cephalosporin (4,92 trên 1000 đơn thuốc; 95% CI 4,86-4,99) và nhóm sulfonamid (3,22 trên 1000 đơn thuốc; 95% CI 3,15-3,28). Trong số 2852 bệnh nhân nhập viện do SCAR, trung vị thời gian nằm viện là 6 ngày (IQR, 3-13 ngày), 9,6% trong số đó cần chuyển đến khoa hồi sức tích cực và 5,3% tử vong tại bệnh viện.

Kết luận

Những kháng sinh đường uống thường được kê đơn có liên quan đến tăng nguy cơ gặp SCAR, trong đó sulfonamid và cephalosporin là 2 nhóm kháng sinh có nguy cơ cao nhất. Nhân viên y tế cần ưu tiên kê đơn kháng sinh có nguy cơ thấp hơn phù hợp với tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

Nguồn: Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc

Cảnh giác viêm da cơ địa mùa hanh khô

Viêm da cơ địa là bệnh lý không lây nhiễm nhưng lại gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Bệnh thường tái phát khi thời tiết lạnh, hanh khô. Một trong những biểu hiện viêm da cơ địa trẻ em là viêm da và ngứa. Tùy thuộc vào độ tuổi sẽ xuất hiện các vị trí tổn thương khác nhau.

Viêm da cơ địa trẻ em thường gây ra những tổn thương ở hai má, trán và cổ.

Trẻ dưới 2 tuổi: Vị trí tổn thương thường gặp nhất sẽ ở 2 bên má hoặc lan sang trán, cổ thậm chí toàn thân.

Trẻ trên 2 tuổi và người lớn: Vị trí tổn thương thường ở các nếp gấp, cẳng tay, khuỷu tay, khoeo chân...

Viêm da cơ địa không thể lây từ người bệnh sang người lành. Mọi người hoàn toàn có thể yên tâm khi chăm sóc trực tiếp cho người bị viêm da cơ địa. Tuy nhiên, viêm da cơ địa có thể lây từ các vùng da trên cơ thể rất nhanh nếu không điều trị kịp thời và đúng cách. Thậm chí có thể gây ra những biến chứng khiến người bệnh bị đau đớn do bội nhiễm, tổn thương sâu.

Người bệnh viêm da cơ địa cần lưu ý điều trị bệnh đúng cách và kịp thời ngay khi có những dấu hiệu tái phát. Những lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày dưới đây sẽ giúp người bệnh viêm da cơ địa hạn chế được nguy cơ tái phát khi thời tiết lạnh, hanh khô:

Khóa ẩm bằng cách bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm hoặc bất kỳ khi nào thấy da khô. Người bệnh cần để da luôn đủ ẩm giúp tạo ra hàng rào bảo vệ da khỏi tác động của môi trường bên ngoài. Nên lựa chọn kem dưỡng ẩm theo lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo an toàn khi dùng lâu dài, đặc biệt là khi dùng cho trẻ em.

- Không dùng kem dưỡng ẩm có mùi thơm vì có thể tăng nguy cơ tái phát bệnh.

Với những sản phẩm chăm sóc da mới, cần thử phản ứng của cơ thể bằng cách bôi vào các vị trí mặt trong cánh tay và theo dõi 7-10 ngày để xem có xảy ra phản ứng mẩn đỏ, ngứa, kích ứng… hay không.

Cắt ngắn móng tay đặc biệt là với trẻ nhỏ chưa nhận thức được việc gãi, cào vùng da tổn thương khiến da xước, chảy máu… từ đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm.

Khi bị viêm da cơ địa, người bệnh có thể bôi một số loại thuốc histamin chống ngứa hoặc corticoid ngắt quãng. Tuy nhiên người bệnh không dùng các loại thuốc bôi có chứa corticoid kéo dài vì có thể gây ra các tác dụng phụ toàn thân, teo da, khô da… Các loại thuốc cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Vào mùa lạnh, người bệnh không nên tắm nước quá nóng, nên tắm bằng nước ấm và thời gian tắm nên duy trì ở khoảng 5-10 phút. Nhiều người thường dùng các loại lá tắm để chữa viêm da cơ địa nhưng điều này hoàn toàn không nên vì có nguy cơ khiến bệnh nặng thêm.

Lựa chọn quần áo thoáng mát và không mặc bó sát. Vào mùa lạnh không nên mặc đồ len, dạ. Không dùng bột giặt có mùi thơm hoặc dùng quần áo có sử dụng thuốc nhuộm. Tốt nhất nên giặt quần áo mới trước khi mặc và loại bỏ nhãn mác. Với trẻ em cần lưu ý loại bỏ những đường may trên quần áo. Ngoài ra nên lựa chọn chăn, ga, gối có chất liệu cotton để hạn chế nguy cơ bùng phát.

- Bảo vệ da nếu đi ra ngoài vào thời tiết lạnh.

Quan trọng hơn hết, người bệnh viêm da cơ địa cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị và có kế hoạch chăm sóc da trước những đợt nguy cơ bùng phát cao.

Nguồn: Sức khỏe đời sống.

 

Người bệnh tăng nhãn áp cần thận trọng dùng thuốc cảm, dị ứng...

Thuốc trị dị ứng, cảm cúm không kê đơn (OTC) là những loại thuốc rất thông dụng, không cần kê đơn. Tuy nhiên, đối với người bị bệnh tăng nhãn áp cần hết sức thận trọng khi dùng các loại thuốc này.

Nguyên nhân là do một số loại thuốc này có chứa thành phần có thể gây giãn đồng tử, dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp góc đóng cấp tính... 

Nguy cơ làm tăng nhãn áp của thuốc trị dị ứng, cảm cúm

Tăng nhãn áp là một bệnh lý nhãn khoa khá phổ biến do tổn thương dây thần kinh thị giác. Tổn thương này thường xuất phát từ áp suất mắt hoặc áp suất nội nhãn (IOP) quá cao. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại bệnh tăng nhãn áp đều giống nhau.

Bệnh tăng nhãn áp góc mở là phổ biến nhất và thường tiến triển chậm. Các triệu chứng thường không dễ nhận thấy ngay lập tức, nhưng theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn đến mất thị lực hoặc mù lòa.

Mặt khác, bệnh tăng nhãn áp góc đóng thường xuất hiện đột ngột, có thể gây mất thị lực nhanh chóng, khiến nó trở thành một trường hợp cấp cứu y tế. Điều trị bệnh tăng nhãn áp thường bao gồm dùng thuốc nhỏ mắt theo toa mỗi ngày, nhưng điều quan trọng là phải tránh một số loại thuốc có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp.

Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính là một tình trạng vô cùng nghiêm trọng khi áp lực bên trong mắt (áp lực nội nhãn, nhãn áp hay IOP) tăng đột ngột, xảy ra khi dòng thủy dịch bị chặn lại không chảy ra ngoài được, làm tăng áp lực...

Thuốc kháng histamin có thể khiến đồng tử giãn ra, dẫn đến tích tụ chất lỏng ở phía sau mắt, gây thêm áp lực lên dây thần kinh thị giác. Một số thuốc kháng histamin không kê đơn (OTC) phổ biến là diphenhydramine, loratadine, cetirizine... Nhiều loại thuốc ho và cảm lạnh OTC có chứa thuốc thông mũi như pseudoephedrine, phenylephrine... những loại thuốc này cũng làm tăng nguy cơ giãn đồng tử, tăng nhãn áp.

Mặc dù tăng nhãn áp góc đóng là tình trạng tương đối hiếm gặp chỉ chiếm một phần nhỏ trong số tất cả các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh tăng nhãn áp, nhưng bệnh nhân tăng nhãn áp phải nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn, chẩn đoán kịp thời và điều trị hiệu quả là rất quan trọng để bảo vệ thị lực.

Nguồn: Sức khỏe đời sống.

Thông tin về cúm mùa do chủng cúm A(H1N1)

Bệnh cúm mùa, đặc biệt do vi rút cúm A(H1N1) (hay còn gọi là cúm lợn), là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua các giọt bắn khi ho, hắt hơi, hay khi tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt bị nhiễm vi rút. Ngoài chủng A(H1N1), các vi rút cúm chủ yếu khác như A(H3N2), cúm B và C cũng là nguyên nhân gây bệnh cúm mùa. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có khoảng 1 tỷ ca cúm mùa, trong đó có từ 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng và khoảng 290.000 đến 650.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, bệnh cúm mùa vẫn ghi nhận từ 600.000 đến 1 triệu ca mắc mỗi năm, với số ca mắc gia tăng quanh năm. Hệ thống giám sát cúm cho thấy, khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm xét nghiệm dương tính với chủng A(H1N1).

Mặc dù phần lớn các ca cúm mùa có diễn biến nhẹ, nhưng bệnh có thể gây biến chứng nặng và nguy hiểm ở những đối tượng có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, người suy giảm miễn dịch, trẻ em, người già, và phụ nữ mang thai. Các biến chứng có thể dẫn đến viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng và thậm chí tử vong. Mới đây, vào tháng 10/2024, một trường hợp tử vong vì vi rút cúm A(H1N1) đã được ghi nhận tại tỉnh Bình Định, nạn nhân có nhiều bệnh lý nền. Thời điểm giao mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt là cúm mùa.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

1.Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để hạn chế phát tán vi rút ra môi trường.

2.Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, trên phương tiện giao thông công cộng và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (đặc biệt sau khi ho, hắt hơi).

3.Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ bị bệnh nếu không cần thiết.

4.Tiêm vắc xin cúm mùa để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

5.Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khỏe, giúp cơ thể chống lại vi rút cúm.

6.Khi có dấu hiệu cúm như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý điều trị tại nhà. Hãy đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: Cục Y tế dự phòng CDC.

 

7 dược liệu giúp tăng cường trí nhớ

1. Đông trùng hạ thảo hỗ trợ tăng cường trí nhớ

Đông trùng hạ thảo vị ngọt, tính ấm; có công dụng bổ hư tổn, ích tinh huyết... là một trong những dược liệu nổi tiếng của y học cổ truyền, thường được dùng để chữa chứng hay quên do thận hư.

Tác dụng dược lý của Đông trùng hạ thảo  hết sức phong phú, trong đó có tác dụng trấn tĩnh, tăng cường sựchú ý và nâng cao năng lực ghi nhớ. Có thể dùng dưới dạng thô hoặc dạng đã bào chế như viên nang, thuốc nước, thuốc bột...

Khi dùng dưới dạng thô, người ta thường chế biến đông trùng hạ thảo thành các món ăn - bài thuốc cùng với thịt vịt, ba ba, tôm nõn, thịt lợn nạc...

2. Hồ đào nhân

Hồ Đào nhân có vị ngọt, tính ấm; có công dụng bổ thận cố tinh, ôn phế chỉ khái, ích khí dưỡng huyết, bổ não ích trí, nhuận tràng thông tiện.

Hồ đào nhân có giá trị dinh dưỡng rất cao, cứ mỗi 100g có chứa 58 - 74g chất béo, chủ yếu là các acid béo không no, 18g chất đạm, 10g chất vô cơ, nhiều loại vitamin như B1, B2, C, E; các nguyên tố vi lượng như Ca, P, Fe, Zn, Mg và một lượng lớn photpholipid, lysine rất cần cho cấu trúc và hoạt động của não bộ.

Do đó, hồ đào nhân là một trong những thực phẩm - vị thuốc rất có lợi cho việc cải thiện khả năng ghi nhớ. Cách dùng đơn giản là kiên trì ăn hàng ngày 1 - 2 trái hồ đào hoặc dùng 30g hồ đào nhân nấu cháo ăn cùng với gạo tẻ.

3. Long nhãn

Long nhãn có vị ngọt, tính ấm; công dụng ích tâm tỳ, bổ khí huyết, kiện não ích trí.

Y thư cổ Khai bảo bản thảo cho rằng, long nhãn có khả năng "quy tỳ nhi ích trí" (bổ tỳ mà có ích cho trí tuệ). Sách Bản thảo cương mục cũng viết: "Long nhãn khai vị ích tỳ, bổ hư trường trí" (long nhãn kiện tỳ vị, bồi bổ hư nhược và làm khỏe tinh thần).

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, long nhãn có khả năng điều chỉnh hoạt động của vỏ não và cải thiện khả năng ghi nhớ. Để phòng chống tích cực chứng "kiện vong", dân gian thường dùng long nhãn 500g, đường trắng 500g, nấu thành cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 15 ml.

4. Nấm linh chi

Nấm linh chi có vị ngọt, tính bình; có công dụng dưỡng tâm an thần, ích khí bổ huyết, tư bổ cường tráng, kiện não ích trí, được mệnh danh là "tiên thảo" (cỏ tiên).

Nghiên cứu lâm sàng hiện đại cho thấy, linh chi có khả năng hỗ trợ trị liệu rất tốt đối với những bệnh nhân tâm căn suy nhược (suy nhược thần kinh), thất miên (mất ngủ), kiện vong (hay quên)... do tâm tỳ hư nhược.

Nấm linh chi thường được dùng dưới dạng linh chi thô 3 - 6g, hãm uống thay trà, mỗi ngày 2 lần hoặc các dạng đã được bào chế như viên nang, trà tan, cao lỏng, thuốc nước... theo chỉ định của thầy thuốc.

5. Nhân sâm

Nhân sâm vị ngọt, tính ấm; có công dụng đại bổ nguyên khí, định tâm ích trí, là vị thuốc - thực phẩm đứng đầu trong nhóm dược liệu có công dụng bổ khí.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nhân sâm có khả năng cải thiện chuyển hóa của tổ chức não, hưng phấn và tăng cường tính linh hoạt của hệ thần kinh, nâng cao khả năng ghi nhớ. Bởi vậy, nhân sâm cũng là một trong những thực phẩm - thuốc rất hữu ích cho việc làm tăng trí nhớ, phòng chống suy nhược thần kinh và chứng hay quên do khí huyết suy nhược.

Nhân sâm thường được dùng dưới nhiều dạng như trà sâm, rượu sâm, viên nang, cao lỏng, món ăn - bài thuốc...

6. Liên nhục (hạt sen)

Hạt sen vị ngọt, tính bình; có công dụng bổ tỳ chỉ tả, ích thận cố tinh, dưỡng tâm an thần.

Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh viết: "Liên nhục, bổ trung, dưỡng thần, ích khí lực, trừ bách bệnh, cửu phục khinh thân nãi lão" (hạt sen bổ tỳ vị, có lợi cho thần khí, trừ được trăm bệnh, dùng lâu làm nhẹ người và kéo dài tuổi thọ).

Hạt sen thường được dùng dưới dạng chế biến thành các món ăn - bài thuốc như mứt sen, chè hạt sen, cháo hạt sen...

7. Kỷ tử

Kỷ tử vị ngọt, tính bình; có công dụng tư bổ can thận, làm sáng mắt và nhuận tràng.

Dân gian thường dùng kỷ tử để phòng chống chứng hay quên và tăng cường trí nhớ, bằng cách lấy kỷ tử 30g, não dê 1 bộ, đem hấp cách thủy ăn. Hoặc lấy kỷ tử 10g, hoài sơn 30g, não lợn 1 bộ, hấp cách thủy ăn. Hoặc kỷ tử 20g, hồng táo 6 quả, trứng gà 2 quả, tất cả đem nấu chín, sau đó bóc bỏ vỏ trứng rồi đun thêm 15 phút nữa là được, chế thêm gia vị ăn nóng, mỗi tuần 2 lần.

Nguồn: Sức khỏe và đời sống.

Thuốc mới chữa bệnh máu khó đông

Thuốc hympavzi vừa được FDA phê duyệt điều trị dự phòng cho những người mắc bệnh máu khó đông, giúp giảm các đợt chảy máu…

Việc phê duyệt hympavzi dựa trên kết quả nghiên cứu Giai đoạn 3 chứng minh khả năng giảm chảy máu đáng kể so với điều trị dự phòng thông thường và điều trị theo yêu cầu ở những bệnh nhân đủ điều kiện mắc bệnh ưa chảy máu A hoặc B mà không có chất ức chế.

Bệnh máu khó đông là một nhóm bệnh máu di truyền hiếm gặp do thiếu hụt yếu tố đông máu (FVIII ở bệnh máu khó đông A, FIX ở bệnh máu khó đông B), ảnh hưởng đến hơn 800.000 người trên toàn cầu.

Được chẩn đoán từ thời thơ ấu, bệnh máu khó đông ức chế khả năng đông máu bình thường của máu, làm tăng nguy cơ chảy máu nhiều lần bên trong khớp, có thể dẫn đến tổn thương khớp vĩnh viễn.

Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong điều trị bệnh máu khó đông trong những năm gần đây, nhiều người mắc bệnh này vẫn tiếp tục bị chảy máu và kiểm soát tình trạng bệnh của mình bằng cách truyền tĩnh mạch thường xuyên, có thể cần phải thực hiện nhiều lần một tuần.

Phương pháp điều trị mới, thuốc hympavzi (marstacimab) dành cho những người từ 12 tuổi trở lên mắc bệnh máu khó đông A hoặc máu khó đông B. Đây là hai loại bệnh phổ biến nhất và khác nhau dựa trên các protein cụ thể liên quan đến quá trình đông máu.

Thuốc được tiêm một lần/tuần, là giải pháp thay thế cho các lựa chọn phòng ngừa hiện tại, liên quan đến việc truyền dịch nhiều lần mỗi tuần. Việc phê duyệt thuốc hympavzi cung cấp cho bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông một phương pháp điều trị mới, nhắm vào một loại protein trong quá trình đông máu.

Thay vì giúp máu đông bình thường bằng cách tăng khả năng đông máu thông qua truyền dịch, hympavzi hoạt động bằng cách giảm lượng protein tự nhiên làm loãng máu, giúp cơ thể có nhiều enzyme thrombin, một loại enzyme quan trọng đối với quá trình đông máu, dẫn đến giảm chảy máu.

Tác dụng phụ khi sử dụng hympavzi có thể bao gồm: Đau tại chỗ tiêm, đau đầu và ngứa. FDA cũng lưu ý rằng, những người sử dụng hympavzi cần cân nhắc các cảnh báo và biện pháp phòng ngừa về cục máu đông lưu thông (còn gọi là các biến cố huyết khối tắc mạch), tình trạng quá mẫn và các tác dụng độc hại tiềm ẩn đối với phôi thai hoặc thai nhi đang phát triển…

Nguồn: Sức khỏe đời sống.

Khuyến cáo mới nhằm giảm thiểu nguy cơ u màng não khi sử dụng medroxyprogesteron acetat

Các dữ liệu từ các nghiên cứu dịch tễ học, các ca lâm sàng y văn và các trường hợp được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu cảnh giác dược của Liên minh châu Âu cho thấy nguy cơ mắc bệnh u màng não tăng lên ở những người dùng liều cao medroxyprogesteron acetat (thuốc tiêm và viên nén với liều ≥ 100mg) trong thời gian vài năm. Mặc dù nguy cơ tương đối mắc u màng não tăng lên đáng kể khi sử dụng medroxyprogesteron acetat liều cao, nhưng nguy cơ tuyệt đối lại rất nhỏ. PRAC đã đưa ra các khuyến cáo mới nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh u màng não khi sử dụng các chế phẩm có chứa medroxyprogesteron acetat bao gồm:

- Không sử dụng chế phẩm có chứa medroxyprogesteron acetat liều cao trên những bệnh nhân bị u màng não hoặc có tiền sử mắc u màng não, trừ trường hợp chỉ định trong điều trị ung thư.

- Theo dõi các triệu chứng của u màng não bao gồm thay đổi thị lực, mất thính lực hoặc ù tai, mất khứu giác, đau đầu, mất trí nhớ, co giật và yếu tay chân… trên những bệnh nhân sử dụng medroxyprogesteron liều cao:

+ Ngừng điều trị bằng medroxyprogesteron acetat liều cao trên bệnh nhân được chẩn đoán u màng não, được chỉ định dùng thuốc không nhằm mục đích điều trị ung thư.

+ Trường hợp bệnh nhân đang được chỉ định điều trị ung thư, được chẩn đoán mắc u màng não: cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ trên từng cá thể người bệnh khi ra quyết định tiếp tục hay ngừng phác đồ medroxyprogesteron liều cao.

- Cập nhật tờ thông tin sản phẩm của các chế phẩm có chứa medroxyprogesteron acetat liều cao về việc u màng não là tác dụng không mong muốn của thuốc, có thể xảy ra với tần suất chưa xác định.

Nguồn: Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc

 

NGỌC TRÚC - VỊ THUỐC TRONG ĐÔNG Y

Ngọc trúc là một vị thuốc quen thuộc trong Đông y, được sử dụng trong nhiều bài thuốc cổ phương. Bên cạnh việc sử dụng như một vị thuốc, ngọc trúc còn có thể sử dụng như một món ăn, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tác dụng của ngọc trúc

Ngọc trúc là thân rễ phơi hay sấy khô của cây ngọc trúc. Vì lá giống lá trúc, thân rễ bóng nhẵn trong như ngọc nên có tên là ngọc trúc. Theo các tài liệu Đông y cổ, ngọc trúc có vị ngọt, tính hơi lạnh, quy các kinh phế và vị.

Vị thuốc này có tác dụng dưỡng âm nhuận táo, sinh tân chỉ khát, tư dưỡng cường tráng, bổ trung ích khí, thích hợp dùng cho các trường hợp hư lao phát nhiệt, phiền khát do tâm hỏa, phế táo gây ho khan, khô miệng, viêm họng, đái tháo đường, tiểu nhiều, di tinh, tự hãn, cơ thể suy nhược, cơ thể yếu sau bệnh.

Picture1

Theo các nghiên cứu y học hiện đại, thân rễ của ngọc trúc chứa chất nhầy polysaccharide (odoratan), gồm D-fructose, D-mannose, D-glucose và axit galacturonic, azetidine-2-carboxylic acid, cùng với các hợp chất steroid như polyspirostanol Poa, polysapogenin Pob, Poc, PO1-PO9 và polyfuroside. Các thành phần này sẽ tạo nên các tác dụng điều trị cho ngọc trúc.

Ngọc trúc còn chứa convallarin và convallamarin, có công dụng cường tim, ngoài ra ngọc trúc còn có tác dụng tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, hạ lipid máu, chống xơ vữa động mạch, tăng cường khả năng chống bệnh của cơ thể. Đặc biệt các thử nghiệm trên động vật cho thấy tác dụng ức chế đường huyết cao rõ rệt của ngọc trúc.

Chính vì những tác dụng trên, ngọc trúc thường được ứng dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, điều trị các trường hợp người có thể chất âm hư, phế vị táo nhiệt, theo Đông y.

Ngoài ra, do chứa vitamin A và chất nhầy nên ngọc trúc còn được ứng dụng làm mềm mịn da.

Một số lưu ý khi sử dụng ngọc trúc

Bất kỳ sự vật nào cũng có hai mặt, thực phẩm cũng vậy, có lợi thì cũng có hại, có người thích hợp ăn thì cũng có người không thích hợp. Hiểu được tác dụng cũng như các tác dụng không mong muốn của một loại thuốc chúng ta mới có thể sử dụng hiệu quả loại thuốc đó.

Ngọc trúc là vị thuốc có tính hơi lạnh nên không thích hợp với những người vốn có âm hàn, thể trạng hàn, người có hàn thấp, người hay đầy bụng, không thích uống nước.

Người tỳ hư, đàm ẩm tích tụ, ăn uống kém, hay đầy bụng, chán ăn, đi ngoài phân thường xuyên lỏng nát cũng không nên sử dụng ngọc trúc.

Không dùng đồ bằng sắt như dao sắt, nồi sắt trong quá trình chế biến ngọc trúc

Nguồn: Sức khỏe đời sống.

 

ĐÀ NẴNG: HIỆU QUẢ SAU 5 NĂM TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH

          Sau hơn 5 năm từ khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 29-12-2018 về đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả, cơ bản hoàn thành các mục tiêu cụ thể.

            TIỆN LỢI CHO NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

           Thành phố có 27 dự án ưu tiên thuộc đề án Thành phố thông minh hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng kinh phí thực hiện 214,4 tỷ đồng; 4 dự án đã phê duyệt hồ sơ thiết kế thi công với tổng kinh phí 82,5 tỷ đồng và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2024-2025; 8 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí trên 884 tỷ đồng, trong đó có các dự án đáng chú ý như hiện đại hóa trung tâm chỉ huy 404 tỷ đồng, trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh 258 tỷ đồng…

          Thành phố triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp sử dụng, tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số như nền tảng tích hợp đa dịch vụ, tiện ích Danang Smart City (hơn 1,2 triệu lượt tải); nền tảng công dân số MyPortal (hơn 320.000 người dân có tài khoản); 1 kho dữ liệu số trên hệ thống Chính quyền điện tử; Cổng góp ý Đà Nẵng và Cứu hộ (1.000 lượt góp ý, phản ánh/tháng); ứng dụng Cho và nhận và Tổng đài (10.000 lượt góp ý/tháng); ứng dụng Chatbot tư vấn tự động về hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công (hơn 4.000 lượt tư vấn/tháng).

           TIẾP TỤC TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM ĐẾN NĂM 2025

           Theo Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 7-4-2022 về kế hoạch thực hiện đề án xây dựng Thành phố thông minh trong năm 2022-2025, Đà Nẵng ưu tiên một số nhiệm vụ: phát triển hạ tầng mạng di động 5G, hạ tầng Internet vạn vật (IoT); hoàn thành nâng cấp, mở rộng trung tâm dữ liệu thành phố với nền tảng điện toán đám mây; xây dựng quy hoạch mạng lưới hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố, hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung bảo đảm khả năng xử lý đa dạng các loại dữ liệu; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các trung tâm giám sát chuyên ngành, kết nối, chia sẻ với Trung tâm Giám sát điều hành thông minh thành phố (IOC) và các trung tâm điều hành quận, huyện; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị đồng bộ, thống nhất trên hệ thống thông tin địa lý GIS với đầy đủ các lớp dữ liệu đất đai, xây dựng, giao thông…

           GIỮ VỮNG THƯƠNG HIỆU “THÀNH PHỐ THÔNG MINH”

          Qua hơn 5 năm triển khai xây dựng Thành phố thông minh, Đà Nẵng được tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao thông qua các giải thưởng: ASOCIO Smart City 2019 của Tổ chức Công nghệ điện toán châu Á - châu Đại dương; Thành phố lấy con người làm trung tâm (Human-CentriCity) của giải thưởng Thành phố thông minh Seoul lần thứ nhất diễn ra tháng 9-2023; 4 năm liên tiếp (2020-2023) được vinh danh là Thành phố thông minh Việt Nam của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam; 4 năm liên tiếp (2020-2023) đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam; 3 năm liên tiếp (2020-2022) xếp hạng Nhất chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh; 2 năm liên tiếp (2022-2023) là địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tại lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam- I4.0 Awards”. 

          Nguồn: Báo Đà Nẵng điện tử (baodanang.vn)

TGA: Khuyến cáo về an toàn thuốc chứa dược liệu xuyên tâm liên (Andrographis paniculata)

 
TGA: Khuyến cáo về an toàn thuốc chứa dược liệu xuyên tâm liên (Andrographis paniculata)
 

Thông tin về xuyên tâm liên:Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) là dược liệu được sử dụng phổ biến trong y học Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là thành phần dược liệu thường gặp trong thuốc điều trị triệu chứng cảm cúm hoặc tăng cường miễn dịch.

Báo cáo về phản ứng dị ứng khi sử dụng thuốc chứa xuyên tâm liên

TGA đã đưa ra báo cáo về an toàn về dược liệu này năm 2015, ghi nhận có mối liên hệ giữa việc sử dụng xuyên tâm liên và phản ứng dị ứng, trong đó có phản vệ. Vào năm 2019, thông tin sản phẩm thuốc chứa xuyên tâm liên được cập nhật bổ sung thêm thông tin: “Xuyên tâm liên có thể gây phản ứng dị ứng ở một số bệnh nhân. Nếu bệnh nhân gặp phản ứng nặng (như phản vệ), cần ngừng thuốc và liên hệ với cơ sở y tế".

Từ năm 2005, TGA đã ghi nhận hơn 300 báo cáo phản vệ/quá mẫn với thuốc chứa thành phần xuyên tâm liên; trong đó hơn 200 báo cáo được ghi nhận từ năm 2019. Trong tháng 6/2024, đã có báo cáo tử vong liên quan đến phản vệ sau khi sử dụng thuốc chứa xuyên tâm liên.

Hơn 80% biến cố bất lợi của xuyên tâm liên là từ thuốc chứa nhiều thành phần dược liệu khác nhau bao gồm xuyên tâm liên, hoa cúc tím (Echinacea) và 1 số thành phần khác. Hoa cúc tím là thành phần dược liệu thường gặp trong thuốc điều trị triệu chứng cảm cúm hoặc tăng cường miễn dịch. Hoa cúc tím cũng được báo cáo gây ra phản ứng dị ứng, trong đó có phản vệ.

Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về yếu tố nguy cơ của phản ứng dị ứng gây ra bởi xuyên tâm liên. TGA đang tiếp tục đánh giá an toàn và xem xét cảnh báo trong thông tin sản phẩm của thuốc chứa xuyên tâm liên cần đề cập nguy cơ này.

Thông tin cho nhân viên y tế: Cần lưu ý thuốc chứa xuyên tâm liên có thể gây ra phản ứng dị ứng, trong đó một số trường hợp có thể nặng và phản vệ. Ngoài ra, dược liệu cúc hoa tím có thể là nguyên nhân dị ứng.

Trên những bệnh nhân có triệu chứng quá mẫn, cần khai thác tiền sử sử dụng thuốc dược liệu của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân từng gặp bất kì phản ứng dị ứng nào sau khi sử dụng thuốc chứa xuyên tâm liên/hoa cúc tím, cần tránh sử dụng các thuốc có chứa các thành phần này.

Thông tin cho đơn vị kinh doanh thuốc chứa xuyên tâm liên

Thông tin sản phẩm của thuốc chứa xuyên tâm liên cần có phần cảnh báo người dùng về nguy cơ dị ứng.

Tổng kết

Sử dụng thuốc chứa dược liệu xuyên tâm liên có thể gặp phản ứng dị ứng, trong đó có phản vệ đe dọa tính mạng có thể xảy ra ở một số người

Đã ghi nhận báo cáo gặp dị ứng nặng ở người đã từng sử dụng thuốc này trước đây nhưng không gặp phản ứng.

Xuyên tâm liên là thuốc có nguồn gốc dược liệu, có thể mua không cần kê đơn tại các siêu thị, nhà thuốc và cửa hàng bán thực phẩm chức năng.

Bệnh nhân nên ngừng sử dụng thuốc chứa xuyên tâm liên và liên hệ nhân viên y tế nếu gặp dấu hiệu của phản ứng dị ứng.

Nếu bệnh nhân gặp triệu chứng của phản ứng dị ứng nặng, nên đi điều trị tại cơ sở y tế ngay lập tức. Triệu chứng dị ứng bao gồm thở khó và thở rít; sưng lưỡi; sưng hoặc tức họng; thở khò khè hoặc ho dai dẳng; nói khó hoặc khàn giọng; chóng mặt dai dẳng hoặc ngất.

Nếu bệnh nhân từng gặp phải triệu chứng dị ứng sau khi dùng thuốc chứa xuyên tâm liên, cần tránh sử dụng thuốc chứa dược liệu này.

Nguồn: http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2572/TGA-khuyen-cao-ve-an-toan-thuoc-chua-xuyen-tam-lien.htm

THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH

VIDEO CLIP

VIDEO CLIP TUYÊN TRUYỀN

LIÊN KẾT WEBSITE

YD CO TRUYEN 2

VKN ATVSTP

 

 

 

 
1

TRUNG TÂM KIỂM NGHIỆM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 118 Lê Đình Lý, phường Vĩnh Trung, quận Thanh khê, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0236.3810.247     

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Website: http://kiemnghiemdanang.vn

 

TIN NHIEM WEB