THÔNG TIN

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

CHỨNG CHỈ ISO/IEC 17025

QUẢNG CÁO

tramatco
 

PHIEU YCKN

THÔNG TIN NGÀNH

Cách chọn thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả cho trẻ?

 Cách chọn thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả cho trẻ?

 

Sốt là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ. Vậy khi trẻ sốt nên lựa chọn và sử dụng thuốc hạ sốt như nào để an toàn và hiệu quả?

1. Trẻ bị sốt có phải uống thuốc không?

Sốt là biểu hiện khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Nếu trẻ bị sốt, có nghĩa là hệ thống miễn dịch của trẻ đang hoạt động.

Chúng ta thường định nghĩa sốt là nhiệt độ ở nách ≥ 37,5 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể cơ bản của mỗi người là khác nhau. Một số bé có thân nhiệt 38 độ C vẫn có thể chạy nhảy vui vẻ, trong khi một số bé có thân nhiệt 37,3 độ C đã mệt mỏi, quấy khóc. Vì vậy, ngoài việc xem con số trên nhiệt kế, cha mẹ cũng nên chú ý xem trẻ có biểu hiện bất thường nào không, chẳng hạn như trẻ có khó chịu không, trạng thái tinh thần ra sao, sức khỏe thế nào...

Khi trẻ sốt và nhiệt độ cơ thể không vượt quá 38 độ C, cha mẹ có thể thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn mà chưa cần dùng thuốc hạ sốt. Ví dụ: Mặc cho trẻ loại quần áo phù hợp, có khả năng thấm hút mồ hôi; khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn (nếu trẻ không muốn uống nước đun sôi, có thể cho trẻ uống nước trái cây); theo dõi chặt chẽ nhiệt độ cơ thể và trạng thái tinh thần của trẻ. Khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 38,5 độ C và trạng thái tinh thần của trẻ xấu đi, cần cân nhắc sử dụng thuốc hạ sốt.

2. Khi nào nên dùng thuốc hạ sốt?

Hiện tại, quyết định có sử dụng thuốc hạ sốt không chỉ dựa trên nhiệt độ cơ thể mà dựa trên đánh giá tình trạng chung của trẻ, thể trạng và các bệnh lý tiềm ẩn... Nếu nhiệt độ cơ thể chưa vượt quá 38 độ C đồng thời trẻ không có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc… thì cha mẹ không nên vội vàng cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Khi chưa được chẩn đoán rõ ràng, việc dùng thuốc hạ sốt có thể che đậy tình trạng bệnh và cản trở việc chẩn đoán.

Khi nhiệt độ cao hơn 38,5 độ C có thể cân nhắc việc dùng thuốc. Tuy nhiên, 38,5 độ C thực ra chỉ là điểm giới hạn được đặt ra dựa trên kinh nghiệm lâm sàng thực tế. Nếu trẻ cảm thấy rất khó chịu, thậm chí nhiệt độ chưa tới 38,5 độ C thì vẫn có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt. Việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng lúc sẽ làm giảm bớt sự khó chịu về thể chất của trẻ. Nếu trẻ có tiền sử sốt cao co giật thì nên cho trẻ dùng thuốc càng sớm càng tốt.

3. Cách chọn thuốc hạ sốt cho trẻ

Khi lựa chọn thuốc hạ sốt cho trẻ, paracetamol và ibuprofen là 2 loại thuốc hạ sốt được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng. Dạng bào chế đường uống là lựa chọn hàng đầu để hạ sốt cho trẻ. Trong trường hợp trẻ khó nuốt, nôn mửa, khó chịu… mới nên dùng thuốc đạn đặt hậu môn. Cả paracetamol và ibuprofen đều có hiệu quả nhưng mỗi loại có những đặc điểm riêng.

Paracetamol tương đối an toàn, không gây kích ứng hoặc chảy máu đường tiêu hóa, không ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu, không gây độc cho thận, không gây mất bạch cầu hạt nhưng dùng quá liều có thể gây độc cho gan. Thuốc được WHO khuyến cáo là thuốc hạ sốt được lựa chọn hàng đầu cho trẻ sơ sinh và trẻ em trên 2 tháng tuổi bị sốt cao. Liều lượng là 10 đến 15 mg cho mỗi kg trọng lượng cơ thể, cứ sau 4 đến 6 giờ.

Ibuprofen thích hợp cho trẻ trên 6 tháng tuổi với liều 5 đến 10 mg cho mỗi kg trọng lượng cơ thể, cứ sau 6 đến 8 giờ.

Paracetamol và ibuprofen đều có thể đáp ứng nhu cầu của trẻ bị sốt khác nhau ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng khi trẻ sốt chỉ sử dụng một loại thuốc để kiểm soát nhiệt độ cơ thể, không nên sử dụng xen kẽ paracetamol và ibuprofen hoặc kết hợp cả hai loại thuốc này với nhau sẽ làm tăng nguy cơ phản ứng có hại của thuốc.

4. Các bước sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách

Khi sử dụng thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và tần suất dùng thuốc trong ngày theo hướng dẫn, không tự ý tăng liều lượng để tăng hiệu quả của thuốc.

Đối với thuốc hạ sốt dạng hỗn dịch, hầu hết hoạt chất chìm xuống đáy chai ở trạng thái tĩnh, cần lắc nhiều lần trước khi sử dụng để trộn đều thuốc.

Khi nhiệt độ cơ thể hạ thường kèm theo tình trạng ra nhiều mồ hôi, nên cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung nước và điện giải cho trẻ kịp thời. Trẻ uống nhiều nước ấm cũng thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi thể chất.

Cần chú ý theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu xuất hiện các dấu hiệu: Sốt cao trên 39,5 độ C; trẻ không uống được nước hoặc bị co giật; trẻ lơ mơ, buồn ngủ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức; trẻ thở rít thanh quản; thở gấp và xuất hiện vết lõm ở phần dưới thành ngực... cần đưa trẻ đi khám ngay.

Tóm lại, nếu trẻ bị sốt, điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây sốt và điều trị triệu chứng sốt khi cần thiết. Nếu cơn sốt xảy ra liên tục trong hơn 2 ngày hoặc xuất hiện những tình trạng vừa nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám.

CLICK TẠI ĐÂY ĐỂ XEM CHI TIẾT ://suckhoedoisong.vn/cach-chon-thuoc-ha-sot-an-toan-va-hieu-qua-cho-tre-169240503100035957.htm

Nguy cơ đông máu hậu COVID-19

 

Nguy cơ đông máu hậu COVID-19 cao hơn nhiều lần so với rủi ro do tiêm vaccine?
 

*Rủi ro do bệnh cao hơn rất nhiều so với rủi ro do vaccine phòng COVID-19:

Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 không chỉ tác động đến phổi mà còn gây ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống mạch máu (lưu thông máu) và khả năng đông máu.

Nguyên nhân bệnh nhân hậu COVID-19 gặp phải di chứng hình thành cục máu đông được xác định là do phản ứng miễn dịch kéo dài trong mạch máu sau khi hồi phục COVID-19. Phát hiện này đã giúp giải thích lý do tại sao một số người từng mắc COVID-19 xuất hiện các triệu chứng tim mạch.

Khi tiến hành xét nghiệm máu của những người đã khỏi COVID-19 trong vòng một tháng, có một số lượng tế bào mạch máu bị tổn thương, được gọi là tế bào nội mô tuần hoàn, loại tế bào này lưu thông trong dòng máu nhiều gấp đôi người không mắc COVID-19. Nhiều tế bào mạch máu bị tổn thương này cũng được tìm thấy ở những bệnh nhân hậu COVID-19 mắc các bệnh mạn tính như tang huyết áp hoặc đái tháo đường.

Ngoài các dấu hiệu tổn thương mạch máu, trong cơ thể những người đã khỏi COVID-19 còn có rất nhiều protein gây viêm, có tên gọi là cytokine (cytokine được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch). Các chuyên gia cũng tìm thấy số lượng tế bào miễn dịch (tế bào T – tiêu diệt virus) cao bất thường. Sự xuất hiện cytokine và tế bào T được giải thích là do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và chúng góp phần làm tổn thương mạch máu ở một số F0 khỏi COVID-19, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia Thụy Điển cho thấy, F0 khỏi COVID-19 có nguy cơ phát triển cục máu đông nghiêm trọng trong vòng 6 tháng, ngay cả với những trường hợp bệnh nhẹ. F0 có nguy cơ thuyên tắc phổi do phát triển cục máu đông cao gấp 33 lần người không nhiễm SARS-CoV-2; Nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu - thường ở chân của F0 cũng tăng trong vòng 3 tháng sau khi bệnh, cao gấp 5 lần người bình thường.

F0 thể nặng, người có sức khỏe tiềm ẩn và nhóm nhiễm SARS-CoV-2 ở giai đoạn đầu có nguy cơ đông máu và chảy máu cao nhất. Điều này là do các biện pháp điều trị được cải thiện trong đợt đại dịch và những bệnh nhân lớn tuổi bắt đầu được tiêm phòng vaccine đợt thứ hai.

Mặt khác, một nghiên cứu lớn đã được thực hiện tại Vương quốc Anh trên 29 triệu người đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Kết quả cho thấy, có rất ít nguy cơ gây hình thành cục máu đông và các rối loạn đông máu sau khi tiêm vaccine mũi đầu tiên. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều lần so với nguy cơ do nhiễm SARS-CoV-2.

Chính bởi vậy, đối với những người chưa được tiêm chủng, cần phải tiêm vaccine do rủi ro do bệnh cao hơn rất nhiều so với rủi ro do vaccine.

*Vấn đề đông máu ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vaccine

BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, vấn đề đông máu ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 4 tuần sau khi tiêm vaccine lần đầu. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ rất thấp gặp hiện tượng huyết khối. Trong trường hợp hiếm hoi gặp tác dụng hình thành cục máu đông, có thể xảy ra hai tình huống:

- Hình thành cục máu đông lớn, gây biến cố ngay lúc đó, ví dụ như tắc mạch chi, tắc mạch phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...

- Hình thành cục máu đông nhỏ, nó sẽ tan dần, thường sau 24h, tối đa 4 tuần là không còn gì nữa. Khi cục máu đông phân hủy, nó sẽ sinh ra D-dimer (sản phẩm của quá trình tiêu hủy cục máu đông) trong máu.

*Hầu hết mọi người dân đã tiêm vaccine COVID-19 từ năm 2021, nếu không có biến cố về cục máu đông nào ngay lúc đó, thì bây giờ cũng không còn bất cứ dấu hiệu nào của cục máu đông nữa. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, tìm hiểu rõ thông tin để tránh hoang mang không cần thiết.

Vaccine COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong, góp phần không nhỏ trong quá trình đẩy lùi đại dịch. Khi tổ chức tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Việt Nam cũng đã được cảnh báo về tác dụng phụ gây đông máu này. Việc triển khai tiêm vaccine COVID-19, chúng ta rất thận trọng, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.

CLICK TẠI ĐÂY ĐỂ XEM CHI TIẾT : Nguồn: Nguy cơ đông máu hậu COVID-19 ở người không tiêm vaccine cao hơn nhiều lần so với khi tiêm vaccine (suckhoedoisong.vn)

Hỗ trợ trồng dược liệu quý ở miền núi

Việt Nam được biết đến là nước có tiềm năng phát triển ngành dược liệu rất lớn.

Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở Việt Nam, có 5.117 loài cây dược liệu đã được ghi nhận, trong đó khoảng 200 loài đã được khai thác thương mại. Nhiều loài có giá trị cao, là dược liệu quý được thế giới công nhận như sâm Ngọc Linh, thông đỏ, hoa hoè, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam…

Theo Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền (Bộ Y tế), hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.

Tuy nhiên hầu hết các loài cây dược liệu đều sinh trưởng bên trong rừng phòng hộ, dưới tán rừng - vốn là địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do vậy, phát triển ngành dược liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thông tư quy định rõ về nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Nội dung chi cụ thể cho các hoạt động:

 -  Chi hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý

 -  Chi hỗ trợ khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

CLICK TẠI ĐÂY ĐỂ XEM CHI TIẾT: https://baochinhphu.vn/ho-tro-toi-1-ty-dong-du-an-phat-trien-vung-trong-duoc-lieu-quy-o-mien-nui-102230816100036056.htm

SỬA ĐỔI LUẬT DƯỢC

 

   KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP, HẠN CHẾ VỀ ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC

 Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 06/4/2016, thay thế cho Luật Dược năm 2005, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam, cơ bản phù hợp với sự phát triển của ngành dược trong xu thế hội nhập quốc tế.

   Sau hơn 07 năm triển khai thi hành Luật, ngành dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về dược đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về dược đã được ban hành, ngành dược Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ góp phần vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

   Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể: Một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã bộc lộ bất cập và chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính.

   Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, cơ quan thẩm tra tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược căn cứ vào cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn như Tờ trình của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục đánh giá tác động đối với những chính sách mới của Dự án Luật; đảm bảo việc đánh giá tác động này phản ánh chi tiết, cụ thể sự ảnh hưởng của chính sách đối với từng vấn đề có liên quan./.

CLICK TẠI ĐÂY ĐỂ XEM CHI TIẾT: https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/sua-oi-luat-duoc-khac-phuc-nhung-bat-cap-han-che-ve-ang-ky-luu-hanh-thuoc-nguyen-lieu-lam-thuoc

 

Thuốc xịt mũi cho chứng đau nửa đầu

Zavegepant: Thuốc xịt mũi đầu tiên cho chứng đau nửa đầu

     Zavegepant là một loại thuốc xịt mũi mới được phát triển để giảm đau nửa đầu cấp tính. Đây là một trong những loại thuốc có hiệu quả cao và được chứng minh trong các nghiên cứu lâm sàng. Zavegepant hoạt động bằng cách ức chế một protein có tên là calcitonin gene-related peptide (CGRP), một chất được cho là có liên quan đến việc gây đau nửa đầu. Với công dụng giảm đau hiệu quả và độ an toàn cao, Zavegepant đang được xem là một lựa chọn tiềm năng trong điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính.

1. Tìm hiểu về chứng đau nửa đầu cấp tính

     Chứng đau nữa đầu là một rối loạn di truyền, từng đợt liên quan đến sự nhạy cảm của các giác quan và ảnh hưởng sự thay đổi quá trình xử lý thông tin của các nơron thần kinh trung ương (kích hoạt các nhân của thân não, tăng khả năng kích thích của vỏ não và ức chế vỏ não lan tỏa) và sự tham gia của hệ thống thần kinh mạch máu (kích hoạt sự giải phóng neuropeptide, gây viêm đau trong các mạch nội sọ và màng cứng). Chứng đau nửa đầu ảnh hưởng đến khoảng 12% dân số. Ước tính toàn cầu cao hơn. Chứng đau nửa đầu mãn tính (CM) ảnh hưởng đến 1% đến 2% dân số toàn cầu. Khoảng 2,5% những người bị chứng đau nửa đầu từng cơn tiến triển thành CM.

2. Tổng quan thuốc mới Zavegepant 

     Đầu tháng 3 năm 2023, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận và phê duyệt Zavegepant, một loại thuốc xịt mũi đối kháng thụ thể peptide liên quan đến Calcitonin (CGRP) đang được nghiên cứu trong điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính. Zavegepant được bán trên thị trường với tên Zavzpret và liệu pháp này trở thành thuốc xịt mũi CGRP đầu tiên và duy nhất được sử dụng cho bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu. Trong hai nghiên cứu thử nghiệm mù đôi khi so sánh với giả dược, thuốc đã chứng minh sự khác biệt có ý nghĩa thống kê vượt trội hơn giả dược về công dụng hết đau và không gây triệu chứng khó chịu. Việc FDA chấp thuận Zavzpret đánh dấu bước đột phá quan trọng đối với những bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu khi cải thiện cơn đau và lựa chọn tối ưu thay thế cho các thuốc dùng đường uống khác. 

2.1 Nhóm dược lý và chỉ định sử dụng của Zavegepant 

     Zavegepant thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể CGRP được chỉ định điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính có hoặc không có triệu chứng Aura. Các thuốc thuộc nhóm đối kháng thụ thể CGRP được biết đến trong tên gọi có đuôi “gepants” như Rimegepant hay Ubrogepant. Trong đó, Zavegepant thuộc thế hệ thứ 3 với kích thước nhỏ và tan tốt trong nước

2.2 Cơ chế hoạt động 

     Zavegepant hoạt động như chất đối kháng thụ thể peptide liên quan đến Calcitonin (CGRP). CGRP là một neuropeptide gồm 37 acid amin có hai dạng (α và β). CGRP được giải phóng từ các dây thần cảm giác,hoạt động như một chất giãn mạch mạnh và đóng vai trò quan trọng để chữa lành vết thương và sinh lý tim mạch. Do đặc tính giãn mạch, CGRP giải phóng các chất trung gian gây viêm từ tế bào mast và truyền thông tin đau đến hệ thần kinh trung ương. Chất đối kháng thụ thể CGRP đã được chứng minh hoạt động tương tự với CGRP do đó gắn vào thụ thể thay thế vị trí của CGRP. Trong chứng đau nửa đầu cấp tính, việc giải phóng CGRP làm tăng giãn mạch và điều chỉnh tính dễ bị kích thích của tế bào thần kinh, tạo điều kiện cho phản ứng đau trong các cấu trúc dẫn truyền cơn đau nửa đầu, chẳng hạn như hệ thống sinh ba nên ức chế cơ chế giãn mạch và làm giảm nhạy cảm các mạch thần kinh

2.3 Dược động học 

- Hấp thu: Sau khi dùng một liều Zavegepant (10mg) nhỏ vào mũi, nồng độ đỉnh đạt được trong huyết tương sau 30 phút sử dụng. Sinh khả dụng tuyệt đối của thuốc xịt mũi là khoảng 5%. So với người bình thường, bệnh nhân suy gan có Cmax và AUC lần lượt là 16% và 1,9 lần. 

- Phân bố: Zavegepant dùng trong mũi có thể tích phân bố biểu kiến (Vd) ​​trung bình khoảng 1774L.Zavegepant có khả năng gắn kết với protein huyết tương khoảng 90%

- Chuyển hóa: Zavegepant chủ yếu được chuyển hóa bởi CYP3A4 và một phần bởi enzyme CYP2D6. 

- Thải trừ: Zavegepant được bài tiết chủ yếu qua đường mật/phân và một phần nhỏ qua nước tiểu. Sau khi dùng liều 10 mg, Zavegepant dùng trong mũi có thời gian bán hủy (T1/2) hiệu quả là 6,55 giờ. Độ thanh thải biểu kiến trung bình là 266L/h

2.4 Tác dụng phụ 

    Tuy hiệu quả điều trị đã được chứng minh nhưng khi sử dụng Zavegepant cũng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn nghiêm trọng như: khó thở, rối loạn vị giác, dị ứng nổi mẩn, phát ban, nổi sưng trên mặt, môi, lưỡi, nôn, buồn nôn 

2.5 Liều sử dụng và chống chỉ định 

- Liều khuyến cáo sử dụng Zavzpret được chấp thuận là 10mg xịt 1 lần 

- Liều tối đa có thể được khuyến cáo trong 24 giờ là 1 lần xịt 10mg

- Zavegepant chống chỉ định sử dụng ở các đối tượng người bệnh có tiền sử xảy ra các phản ứng nhạy cảm quá mức với bất kỳ thành phần nào 

2.6 Tương tác thuốc

    Zavzpret có thể tương tác với các loại thuốc khác như: (1) thuốc ức chế chất vận chuyển OATP1B3 hoặc NTCP, (2) thuốc gây ra chất vận chuyển OATP1B3 hoặc NTCP và (3) thuốc thông mũi.

3. Kết luận 

     Zavegepant có thể có vai trò tối ưu trong điều trị cấp tính chứng đau nửa đầu như một pháp thay thế hiệu quả cho các thuốc uống và thuốc tiêm, đặc biệt phát huy tối đa hiệu quả đối với những bệnh nhân mong muốn tác dụng nhanh của thuốc.

CLICK TẠI ĐÂY ĐỂ XEM CHI TIẾT: https://vinmecdr.com/zavegepant-thuoc-xit-mui-dau-tien-cho-chung-dau-nua-dau/

CẢNH BÁO LIÊN QUAN ĐẾN THUỐC ỨC CHẾ DPP-4

                                                 Medsafe: Cảnh báo nguy cơ tắc ruột liên quan đến thuốc ức chế DPP-4

    Gần đây, Ủy ban phản ứng có hại của thuốc (MARC) thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thiết bị Y tế New Zealand (Medsafe) cảnh báo nguy cơ gây tắc ruột liên quan đến các thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) (vildagliptin và saxagliptin).

    Nguy cơ này có thể được giải thích dựa trên cơ chế: các thuốc ức chế DPP-4 ức chế phân hủy peptid-1 tương tự glucagon (GLP-1) nội sinh, dẫn đến giảm nhu động đường tiêu hóa.

    MARC đã xem xét kết quả của một nghiên cứu thuần tập, trong đó  nguy cơ tắc ruột được ghi nhận cao hơn ở những người bắt đầu dùng thuốc ức chế DPP-4 so với thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose (SGLT-2) hoặc thuốc chủ vận thụ thể GLP-1. Tuy nhiên, cân nhắc đến những hạn chế của nghiên cứu, kết quả này nên được phiên giải một cách thận trọng. 

    Hiện tại không có đủ bằng chứng về mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng thuốc ức chế DPP-4 và biến cố tắc ruột. Chính vì vậy, Medsafe đưa ra cảnh báo này nhằm khuyến khích nhân viên y tế báo cáo tất cả các trường hợp tắc ruột nghi ngờ có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc ức chế DPP-4. 


CLICK TẠI ĐÂY ĐỂ XEM:  https://medsafe.govt.nz/safety/Alerts/DPP-4_%20inhibitors_risk_of_ileu.asp

Cây trâm bầu trị giun sán, giúp nhuận gan

1. Đặc điểm của cây trâm bầu

Trâm bầu tên gọi khác như săng kê, chưng bầu, tim bầu, song re... Tên khoa học là Combretum qualrangulare, thuộc họ Bàng Combretaceae. Trâm bầu là cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, có chiều cao từ 2 – 10m, một số cây phát triển trong điều kiện lý tưởng có thể cao đến 12m. Thân có nhiều cành ngắn, cành non có 4 cạnh và mép có rìa mỏng.

Lá mọc đối xứng, cuống ngắn, phiến hình trứng dài có gốc thuôn và đầu hơi nhọn, cả 2 mặt lá đều có lông nhưng mặt dưới nhiều hơn. Hoa mọc thành cụm ở nách lá, mỗi cụm có nhiều hoa nhỏ màu vàng. Quả lớn, màu xanh, có 4 cánh mỏng, bên trong chứa nhiều hạt hình thoi.

Bộ phận dùng để làm thuốc chữa bệnh bao gồm lá, rễ và hạt của cây trâm bầu.

- Phân bố: Trâm bầu có nguồn gốc từ các nước Đông Dương (Campuchia, Lào và Việt Nam). Cây ưa mọc ở các vùng đất phèn, nước mặn và vùng nước ngọt. Nhân dân thường trồng cây để lấy củi, ít nơi trồng trâm bầu để làm dược liệu.

- Thu hoạch – sơ chế: Lá và rễ được thu hái quanh năm. Quả và hạt được thu hái vào tháng 1 – 2 hằng năm. Có thể sử dụng dược liệu tươi hoặc phơi khô để dùng dần.

- Bảo quản: Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm thấp và có ánh nắng trực tiếp.

- Thành phần hóa học: Theo kết quả phân tích, hạt của cây trầm bầu có chứa acid oxalic tự do, oxalate calcium, acid béo, tannin, dầu béo 12%. Ngoài ra khi phân tích acid béo người ta nhận thấy hạt chứa acid linoleic 2.31% và acid palmitic 5.91%.

Screenshot 2024 02 22 090118

2. Một số bài thuốc

- Chữa giun kim và giun đũa:

Bài 1: Hạt trâm bầu và chuối chín. Đem nướng hạt trầu bầu, kẹp trong chuối chín rồi nhai nuốt. Trẻ em dùng từ 7 – 14g (khoảng 5 – 10 hạt), người lớn dùng 14 – 20g (khoảng 10 – 15 hạt).

Bài 2: Bột nếp 100g, bột từ hạt cây trâm bầu 50g, lá mơ tán bột 50g. Trộn đều bột từ hạt trâm bầu, bột lá mơ với bột nếp và lượng nước vừa đủ. Sau đó vo bột thành viên và hấp cách thủy cho chín. Mỗi sáng sau khi thức dậy, ăn một lượng vừa phải đồng thời không ăn thêm thực phẩm khác cho đến trưa. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng từ 4 – 5 ngày.

Screenshot 2024 02 22 090150

- Trà trâm bầu giúp nhuận gan: Hạt trâm bầu 20 – 30g dùng nấu nước uống và dùng như trà trong ngày.

- Chữa nước ăn chân: Dùng 100g lá cây trâm bầu, 100g lá phèn đen, 100g lá móng tay, 100g lá bạch hạ giã nhuyễn rồi ngâm cùng 100ml rượu trắng. Sau đó dùng nước rượu ngâm này bôi lên chỗ ăn chân ngày từ 2 – 3 lần, đồng thời hạn chế tiếp xúc với nước sẽ rất nhanh khỏi. Khi dùng không hết bạn có thể đậy kín nắp chai rượu ngâm và để dùng dần.

- Trị xơ gan cổ trướng: Lá cối xay, lá trâm bầu, vỏ cây vọng cách và vỏ cây quao nước mỗi thứ 50g, quả dứa dại và thân cây ráy gai mỗi thứ 200g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang trong 7-10 ngày hỗ trợ điều trị xơ gan cổ trướng.

Nước sắc từ hạt trâm bầu còn có tác dụng trên giun đất và sán dây lợn, ngày sắc uống 50g, trong 7 - 15 ngày. Ngoài ra, còn có thể dùng 100g rễ cây trâm bầu giã nát đắp lên vết thương giúp giảm đau, giảm sưng viêm và uống 50g nước sắc rễ trâm bầu cầm tiêu chảy.

3. Lưu ý khi sử dụng cây trâm bầu làm thuốc

- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên dùng các bài thuốc từ trâm bầu.

- Không nên dùng các bài thuốc trâm bầu kết hợp với các bài thuốc tây chữa tăng men gan, thuốc lợi tiểu, thuốc trị giun khác.

- Trong thành phần hạt trâm bầu có chất oxalate calcium gây nấc cụt sau khi uống. Phản ứng này sẽ tự hết mà không cần chữa trị.

- Trong dân gian còn có cây bạc thau, là loại thân dây leo cũng được gọi là cây trâm bầu. Loài này có hoa màu tím hồng, thường trồng làm cảnh. Trước khi dùng bạn nên hết sức lưu ý tránh nhầm lẫn giữa hai loài thực vật.

- Cây trâm bầu là một loài thực vật có tác dụng trị bệnh, trị giun, khi sử dụng bạn nên có sự tư vấn của thầy thuốc, bác sĩ chuyên ngành.

 Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/cay-tram-bau-tri-giun-san-giup-nhuan-gan-169240115104002632.htm

Thuốc loãng xương prolia làm tăng nguy cơ hạ canxi máu nặng

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa đưa ra cảnh báo, thuốc trị loãng xương prolia làm tăng nguy cơ hạ canxi máu nặng, ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính (CKD) tiến triển, đặc biệt là ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Hạ canxi máu nặng có thể không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện các triệu chứng bao gồm lú lẫn, co giật, nhịp tim không đều, ngất xỉu, co giật mặt, co thắt cơ không kiểm soát được… hoặc yếu, ngứa ran, tê ở các bộ phận của cơ thể.

Hạ canxi máu nặng phổ biến ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính và rối loạn xương khoáng (CKD-MBD). Ở những bệnh nhân bị bệnh thận mạn tiến triển dùng prolia, tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện, đe dọa tính mạng và tử vong.

Do đó, FDA đang sửa đổi thông tin kê đơn prolia để bao gồm ‘Cảnh báo đóng hộp mới’ làm nổi bật về nguy cơ gia tăng này. Bổ sung các thông tin kê đơn của thuốc prolia về nguy cơ đáng kể phát triển tình trạng hạ canxi máu nặng ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tiến triển, bao gồm lựa chọn bệnh nhân thích hợp để điều trị prolia, tăng cường theo dõi nồng độ canxi trong máu và các chiến lược khác; cập nhật vào Hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân và Chiến lược giảm thiểu và đánh giá rủi ro prolia…

Prolia là một kháng thể đơn dòng được phát triển ban đầu để điều trị bệnh loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao hoặc những người kháng trị hoặc không thể dung nạp các liệu pháp khác. Sau đó, thuốc được dùng để tăng khối lượng xương ở nam giới bị loãng xương, những trường hợp có nguy cơ gãy xương cao đang được điều trị bằng liệu pháp thiếu hụt androgen (điều trị ung thư tuyến tiền liệt), phụ nữ có nguy cơ gãy xương cao đang được điều trị bằng thuốc ức chế aromatase (điều trị ung thư vú) và để điều trị bệnh loãng xương do glucocorticoid gây ra cho nam giới và phụ nữ.

Tác dụng phụ thường gặp của prolia bao gồm đau lưng đau cơ và đau ở cánh tay hoặc chân…

Screenshot 2024 02 05 150323

Lưu ý với người bệnh

Đối với người bệnh đang cân nhắc sử dụng prolia để điều trị loãng xương hãy trao đổi với bác sĩ về chức năng thận và nguy cơ bị hạ canxi máu nghiêm trọng. Việc điều trị bằng prolia có phù hợp hay không cần được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa về chẩn đoán và quản lý CKD-MBD, bao gồm cả chứng loạn dưỡng xương do thận.

Đối với những bệnh nhân đã dùng prolia để điều trị bệnh loãng xương, hãy duy trì đủ lượng canxi và vitamin D trong khi dùng thuốc này.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh thận tiến triển đặc biệt là những người đang chạy thận nhân tạo được điều trị bằng prolia, nên thường xuyên theo dõi lượng canxi trong máu, đặc biệt là trong 2 - 10 tuần đầu sau mỗi lần tiêm prolia. Trao đổi với bác sĩ về các hướng dẫn cụ thể về liều lượng và bổ sung canxi và vitamin D có thể cần thiết.

Nguy cơ gãy xương, kể cả ở cột sống, sẽ tăng lên sau khi dừng, bỏ qua hoặc trì hoãn dùng prolia. Do đó, người bệnh không được tự ý ngừng thuốc. Thông báo cho bác sĩ biết nếu xuất hiện các triệu chứng gợi ý đến tình trạng hạ canxi máu ở trên.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-loang-xuong-prolia-lam-tang-nguy-co-ha-canxi-mau-nang-169240120173920367.htm

3 tác dụng phụ cần lưu ý của thuốc trị rối loạn tiền đình

Người bệnh rối loạn tiền đình cần tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, một số thuốc điều trị có thể gây tác dụng phụ. Vậy người bệnh cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc rối loạn tiền đình?

Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng, rối loạn tiền đình là tình trạng do tổn thương liên quan đến hệ thống tiền đình gây ra. Các biểu hiện thường gặp của rối loạn tiền đình bao gồm mất thăng bằng, đi không vững, cảm giác chóng mặt, yếu mệt, kém tập trung, mắt mờ, buồn nôn, nôn… ‏

‏Rối loạn tiền đình có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc phải hội chứng này càng tăng. Để điều trị rối loạn tiền đình, người bệnh cần đi khám để xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh, từ đó mới có phương pháp chữa trị phù hợp nhằm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh và tránh tái phát.‏

‏Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của thuốc điều trị rối loạn tiền đình mà người bệnh cần lưu ý:

1. Phản ứng dị ứng sau khi dùng thuốc trị rối loạn tiền đình

Các phản ứng dị ứng thường gặp sau khi dùng thuốc có thể kể đến như ngứa, mẩn, phát ban, mề đay...

Ví dụ, thuốc acetylleucin là thuốc giúp giảm triệu chứng chóng mặt, buồn nôn. Khi sử dụng, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như phát ban (đôi khi có kèm theo ngứa) và nổi mề đay.

Thuốc ‏betahistin có tác dụng làm tăng lượng máu đến tai trong bằng cách giãn các cơ tiền mao mạch, làm giảm tính thấm với các mao mạch vùng tai trong, đồng thời làm tăng lượng máu cung cấp cho não nói chung, nhờ đó giúp cải thiện các triệu chứng của rối loạn tiền đình. Người bệnh sử dụng thuốc này cũng có thể gặp những biểu hiện dị ứng như nổi mề đay, ngứa, rối loạn tiêu hóa… Không những thế, betahistin còn có thể gây tác dụng phụ đau dạ dày, do đó được khuyến cáo sử dụng sau khi ăn no để tránh các vấn đề liên quan tới dạ dày.

Khi gặp phải các phản ứng dị ứng nghi ngờ do thuốc, người bệnh cần ngừng uống thuốc và báo ngay cho bác sĩ. Các phản ứng như mẩn, ngứa, phát ban, nổi mề đay là những dấu hiệu dị ứng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan và không tự ý dùng thuốc chống dị ứng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

2. Gây buồn ngủ

BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, các thuốc kháng histamin thế hệ 1 bao gồm các thuốc như dimenhydrinate hoặc promethazin... có tác dụng cải thiện tình trạng buồn nôn, chóng mặt, do đó thường được chỉ định trong phác đồ điều trị rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, tác dụng điển hình nhất của nhóm này là gây buồn ngủ, khiến người bệnh cảm thấy lơ mơ, ngủ gà...

Ngoài ra, các thuốc ức chế canxi như cinnarizin (stugeron), flunarizine (sibelium) có tác dụng phòng ngừa và điều trị triệu chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình, giúp giảm đau nửa đầu, thiểu năng tuần hoàn não... cũng gây cảm giác buồn ngủ cho người sử dụng.

Các thuốc an thần như diazepam, clonazepam, bromazepam, lorazepam... cũng được sử dụng trong một số trường hợp rối loạn tiền đình. Một trong số tác dụng phụ của nhóm này là gây buồn ngủ, lờ đờ, khả năng phối hợp kém...

Do tác dụng phụ gây buồn ngủ nên người bệnh tránh điều khiển phương tiện giao thông và vận hành máy móc sau khi dùng những loại thuốc này.

3. Nghiện thuốc, phản tác dụng

Đối với nhóm thuốc an thần như diazepam, clonazepam, bromazepam, lorazepam... nếu sử dụng lâu dài có thể gây ra tình trạng nghiện thuốc và phản tác dụng. Chính bởi vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ. ‏‏

Thuốc có thể gây lệ thuộc sau khi sử dụng thuốc trong vòng ít nhất một tháng, ngay cả với liều lượng đã được quy định. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu lệ thuộc thuốc, người bệnh không nên ngừng thuốc đột ngột mà cần giảm liều từ từ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Để dùng thuốc điều trị rối loạn tiền đình một cách an toàn, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc. Khi được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị, người bệnh cần tuân thủ. ‏

‏Điều quan trọng là cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để biết về những bất lợi có thể xảy ra của thuốc mình đang sử dụng để nhận biết nó. Trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi, nếu thấy xuất hiện những biểu hiện khác thường, thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được ứng phó kịp thời.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/3-tac-dung-phu-can-luu-y-cua-thuoc-tri-roi-loan-tien-dinh-169231202090617351.htm

Vị thuốc quanh ta - Cây an xoa trị các bệnh về gan

          Cây an xoa có tên khoa học là Helicteres hirsuta Lour, thuộc họ Trôm (Sterculiaceae), bộ Bông (Malvales). Ngoài ra, cây còn có tên gọi khác là tổ kén cái, thâu kén lông, cây dó lông.

          Cây mọc phổ biến trong rừng thưa, ven rừng, trên các bãi hoang, đồi cỏ ở độ cao từ thấp lên đến 1500m; ra hoa kết quả gần như quanh năm. Là cây bụi cao 1-3m; nhánh hình trụ, có lông. Lá hình trái xoan dài 5-17cm, rộng 2,5-7,5cm, gốc cụt hay hình tim, đầu nhọn thành mũi nhọn, mép có răng không đều, mặt dưới màu trắng, cả hai mặt phủ đầy lông hình sao; cuống lá dài 0,8-4cm; lá kèm hình dải, có lông, dễ rụng.

          Cụm hoa là những bông ngắn, đơn hay xếp đôi ở nách lá. Hoa màu hồng hay đỏ; cuống hóa có khớp và có lá bắc dễ rụng; đài hình ống phủ lông hình sao, màu đo đỏ, chia 5 răng; cánh hoa 5; cuống bộ nhị có vân đỏ; nhị 10, nhị lép bằng chỉ nhị; bầu có nhiều gợn, chưa 25-30 màu trong mỗi lá noãn. Quả nang hình trụ nhọn; hạt nhiều, hình lăng trụ.

                                                                                Picture1

          - Bộ phận dùng: Thân, rễ và lá.

          - Thu hái sơ chế: Cây có thể thu hoạch quanh năm, thông thường nên thu hoạch vào khoảng tháng 5 đến tháng 11 vì lúc này cây có sự phát triển mạnh và có nhiều dược tính.

          - Bào chế thuốc: Sau khi thu hoạch sẽ tiến hành phân loại phần lá và phân thân ra, rồi cắt nhỏ, đem phơi hoặc sấy khô. Sau đó hai phần nguyên liệu sẽ được trộn đều và bảo quản để dùng dần. Có thể dùng ở dạng sao vàng hạ thổ giúp đốt cháy lớp lông trên cây, hạn chế tình trạng ngứa rát cổ họng khi dùng thuốc.

          - Thành phần hóa học: Thành phần của cây an xoa có chứa nhiều hoạt chất flavonoid (apigenin, tiliroside), lignan, triterpenoid (lupeol), stigmasterol, nhiều enzyme và các nguyên tố vi lượng..

          Trong đó hợp chất lignans (thuộc nhóm hợp chất phenolic), stigmasterol có khả năng kháng lại các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của các khối u; còn hoạt chất flavonoid có khả năng chống oxy hóa và bảo vệ các tế bào miễn dịch, đồng thời có thể ngăn chặn hoạt động của các gốc tự do có thể gây bệnh.

          * Công dụng của cây an xoa

          BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho biết, cây an xoa có vị cay, mùi thơm; quy vào kinh Can. Trong Y học cổ truyền, thân an xoa được dùng là thuốc chữa ung nhọt. Rễ cây được dùng giảm đau, chữa lỵ, đậu sởi, cảm cúm và làm thuốc tiêu độc. Cây có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị ung thư, nhất là ung thư gan, đồng thời hỗ trợ phòng và điều trị các bệnh về gan như men gan cao, viêm gan, xơ gan…; hỗ trợ giải độc gan, làm mát gan, hạ men gan và tăng cường chức năng gan; hỗ trợ điều trị bệnh mất ngủ, vàng da, chân tay yếu ớt. Ở một số nước Đông Nam Á, rễ cây an xoa còn dùng để trị sốt rét và bệnh đái tháo đường.

          Về chữa trị bệnh ung thư, BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ cho biết, thực tế trên thế giới vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu về cây an xoa. Theo một nghiên cứu ở Indonesia thì cây an xoa có khả năng chống lại các tế bào ung thư, nhất là ung thư gan. Một số ít những nghiên cứu của nhóm nghiên cứu người Mỹ đã công bố 6 hợp chất được phân lập từ thân cây an xoa có hoạt tính gây độc đối với tế bào ung thư phổi (Lu1), ung thư tuyến tiền liệt (LNCaP), ung thư vú ở người (MCF-7), cho thấy tiềm năng cho các nghiên cứu về thuốc kháng ung thư sau này.

          Ở Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy một số hợp chất được chiết xuất từ thân cây an xoa có khả năng chống oxy hoá, hoạt tính bảo vệ gan (tác dụng bảo vệ gan, giảm mức tăng men gan, giảm tổn thương vi thể trong gan) và có khả năng gây độc dòng tế bào Hep-G2 (tiêu diệt tế bào ung thư gan)… góp phần giải thích công dụng chữa bệnh ung thư gan của loài thảo dược này.

          * Lưu ý khi sử dụng an xoa

          Khi dùng cây an xoa, BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo:

          - Không dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ em dưới 3 tuổi; không dùng chung với thuốc Tây.

          - Thảo dược an xoa dùng làm thuốc cần phải được bào chế, chiết xuất, sử dụng đúng cách thì mới phát huy được những tác dụng của dược liệu. Đặc biệt, cơ địa mỗi người bệnh là khác nhau, không phải ai bệnh ung thư (ung thư gan) dùng an xoa cũng đạt hiệu quả.

          Vì vậy, người dân khi muốn sử dụng cây an xoa để chữa bệnh cần phải có sự thăm khám, hướng dẫn và theo dõi từ bác sĩ, từ người có chuyên môn… Không nên tùy tiện dùng hoặc nghe theo lời đồn để tránh các tai biến dẫn đến tiền mất, tật mang.

          Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/cay-an-xoa-tri-cac-benh-ve-gan-169240123180716523.htm

NĂM 2024 TOÀN QUỐC PHẤN ĐẤU, TIẾP NHẬN KHOẢNG 1,6 TRIỆU ĐƠN VỊ MÁU

          Ngày 12/01/2024 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác vận động HMTN năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. 

          Tham dự hội nghị có, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo và đại diện các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN.

          Năm 2023, Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân cùng các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh, thành phố trong cả nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động HMTN.

          Đến nay, cả nước đã thành lập được 4.530 câu lạc bộ (CLB) với 153.170 thành viên tham gia như: CLB hiến máu dự bị, CLB 25, CLB máu hiếm, CLB gia đình hiến máu, CLB vận động HMTN. Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được quan tâm và triển khai có hiệu quả.

          Năm 2024 Ban Chỉ đạo quốc gia đề ra chỉ tiêu vận động HMTN toàn quốc như sau: Tỷ lệ người HMTN là 99%; Tỷ lệ người hiến máu nhắc lại trên 60%; Tỷ lệ dân số hiến máu tương đương là 1,6%.

           Xác định rõ những khó khăn, bất cập, những thách thức trong công tác HMTN hiện nay và trong giai đoạn tới; Từ tuyên truyền, vận động, xây dựng lực lượng hiến máu đến năng lực tiếp nhận, bảo quản, sản xuất, cung cấp, điều phối chế phẩm máu của ngành Y tế; Cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người hiến máu, tổ chức tham gia vận động hiến máu. 

          Đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến về chất lượng, tính hiệu quả, cách làm hay, sáng tạo trong công tác HMTN trong giai đoạn tới với mục tiêu đáp ứng đủ máu cho cấp cứu, điều trị người bệnh trong cả nước; Dự phòng trong thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng và điều phối cho các địa phương…

          Nguồn: Năm 2024 toàn quốc phấn đấu, tiếp nhận khoảng 1,6 triệu đơn vị máu - Tin nổi bật - Cổng thông tin Bộ Y tế (moh.gov.vn)

Chuyên mục phụ

THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH

VIDEO CLIP

VIDEO CLIP TUYÊN TRUYỀN

LIÊN KẾT WEBSITE

YD CO TRUYEN 2

VKN ATVSTP

 

 

 

 
1

TRUNG TÂM KIỂM NGHIỆM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 118 Lê Đình Lý, phường Vĩnh Trung, quận Thanh khê, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0236.3810.247     

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Website: http://kiemnghiemdanang.vn

 

TIN NHIEM WEB